Được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch Đại hội, tôi rất vinh dự thay mặt Đảng bộ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu ý kiến tham luận tại Đại hội.
Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Để làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo các văn kiện, sau đây tôi xin có một vài ý kiến tham luận về chủ đề: “Phát huy giá trị các di sản văn hoá, bản sắc con người Xứ Đông thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới” để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm đến phát triển văn hoá trong đó có việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành như: Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương khoá XI (2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Tỉnh uỷ Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 62-CTr/TU, ngày 24/7/2014 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khoá XI với mục tiêu chung “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hải Dương theo hướng toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững…”
Nằm trong dòng chảy của lịch sử, Hải Dương đứng đầu trong phên dậu của Thăng Long tứ trấn với tên gọi tỉnh Đông. Mảnh đất hiền hoà, yên bình được phù sa đắp đổi bao mùa đã tạo nên tâm hồn, trí tuệ và nhân cách tuyệt vời của con người mảnh đất xứ Đông với biết bao tên tuổi của các bậc hiền tài, khoa bảng qua các triều đại còn lưu dấu cho đến ngày nay. Cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân cùng quá trình lao động sáng tạo của đông đảo nhân dân, qua nhiều thế hệ, đã làm cho Hải Dương - "đất học", "đất danh nhân", "đất văn hiến" - xây dựng được nhiều truyền thống quý báu, để lại một kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng và độc đáo. Đó là một khối lượng lớn văn hoá vật thể và phi vật thể rất giá trị, độc đáo với trên 3 ngàn di tích, hàng trăm làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm văn hoá ẩm thực và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, nhiều sinh hoạt văn nghệ dân gian nổi tiếng đặc biệt là hát Chèo và hát Ca trù với những âm hưởng dân gian, quyến rũ, thanh tao làm say đắm lòng người. Tất cả mang dáng dấp, tâm hồn con người xứ Đông yêu thương, nhân hậu.
Phát huy giá trị các di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của tỉnh Hải Dương đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Khi khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa, không chỉ thu được nguồn lợi kinh tế trực tiếp, giải quyết vấn đề xã hội (tiêu thụ sản phẩm văn hóa, giải quyết việc làm…) mà còn đem lại hiệu quả cao khi chúng ta giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam, con người Xứ Đông xưa, Hải Dương nay.
Trong nhiều nhiệm kỳ đã qua và nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Hải Dương đã chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Hải Dương chân - thiện - mỹ, nhân văn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tinh thần yêu nước, truyền thống cần cù sáng tạo, hiếu học của cha ông được phát huy, trở thành động lực để cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng, phát huy sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương giàu đẹp. Điều đó được thể hiện thông qua các Chương trình của cấp ủy và Đề án của UBND các cấp về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng. Trong đó tập trung thực hiện quy hoạch, lập hồ sơ xếp hạng và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị di sản văn hóa phi vật thể... góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.
Đến nay, tỉnh Hải Dương có 04 di tích, khu di tích, quần thể di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 142 di tích xếp hạng quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có nhiều di tích tiêu biểu, đặc trưng về văn hoá tâm linh, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, cảnh quan kỳ thú là thế mạnh tiềm năng cho việc phát triển các hoạt động du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tiêu biểu như: khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn Miếu Mao Điền, đền Xưa - chùa Giám - đền Bia… góp phần nâng cao vị thế văn hoá xứ Đông cũng như tạo ra những sản phẩm du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có 8 bảo vật quốc gia, 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 nghệ nhân nhân dân và 23 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Một số nghề, loại hình nghệ thuật, ẩm thực cổ truyền như: sản xuất gốm sứ, bánh đậu xanh, bánh gai; nghệ thuật hát chèo, ca trù, trống quân, chầu văn, múa rối nước...được nghiên cứu phục dựng, tổ chức truyền nghề, quảng bá sản phẩm đã có thêm cơ hội giao lưu, mở rộng thị trường, góp phần tạo sự ổn định về lao động và tăng thu nhập kinh tế trong cộng đồng.
Ngoài việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, tỉnh đã thực hiện việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường; nhằm làm tăng tính hấp dẫn, đa dạng của các sản phẩm du lịch di sản văn hóa; tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa khai thác các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan du lịch văn hóa với các khu, điểm du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái của tỉnh.
Từ các chương trình khai thác giá trị các di sản văn hóa đã và đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế như: thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, mở ra nhiều dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhiều người… Điều đó minh chứng về kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng về văn hoá của cấp ủy các cấp. Đó cũng là kết quả đánh giá sự nỗ lực phấn đấu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương trong việc tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình hành động, đề án, dự án về phát triển văn hoá.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, trong đó có việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói riêng ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đó là: nhiều di tích còn đang bị xâm hại, xuống cấp; di sản phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một; chưa gắn kết xây dựng được các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn trong đó chứa đựng nội dung, hàm lượng văn hóa chất lượng cao; sự phối hợp, liên kết du lịch Hải Dương trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ và toàn quốc chưa hình thành rõ nét. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần hoàn thiện hơn nữa; bộ máy tổ chức, quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch chưa thật hoàn chỉnh; đội ngũ cán bộ chuyên môn nhất là ở cơ sở còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nguồn tài chính chưa nhiều, sự tham gia của cộng đồng chưa đủ mạnh…
Với những thuận lợi và khó khăn cơ bản nêu trên, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp hành động, sự ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng xã hội để phát huy tốt hơn nữa giá trị các di sản văn hoá, bản sắc con người Xứ Đông thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể như sau:
Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn di sản văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa; tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các di tích, danh thắng để đạt yêu cầu cao về trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, các quy chế, quy định có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên các lĩnh vực quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích, lễ hội, bảo vệ cổ vật...
Hai là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò, tác động của văn hoá trong đời sống xã hội góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, ban hành văn bản triển khai thực hiện ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá rộng rãi về giá trị di sản văn hóa của tỉnh để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với điều kiện phát triển trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình, nhà trường gắn với các quy định của Trung ương, các Chỉ thị, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hương ước, quy ước làng xã; đề cao tinh thần tập thể, tăng cường thể lực, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách, phẩm chất của con người Hải Dương; xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa một cách bền vững; xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, nhân dân, thượng tôn pháp luật, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chú trọng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức học sinh, phát triển văn học nghệ thuật, thị trường văn hóa, khoa học công nghệ; đẩy mạnh hoạt động và quản lý báo chí, thông tin truyền thông, hoàn thiện hạ tầng thông tin phục vụ nhu cầu phát triển của người dân…
Bốn là, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản văn hoá phục vụ công tác giáo dục truyền thống xây dựng con người Hải Dương giàu tính nhân văn và hiện đại, gắn với khai thác phát triển du lịch; xác định rõ các giá trị văn hóa tiêu biểu đặc trưng của tỉnh cần được bảo vệ và phát huy đồng thời chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa ngày càng vững mạnh; tạo điều kiện để nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội góp phần xây dựng văn hóa, con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Năm là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sức lực, trí tuệ, kinh phí của toàn xã hội cùng tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tham gia sáng tạo những giá trị văn hoá mới trên cơ sở kế thừa phát huy di sản văn hoá dân tộc nhằm tôn vinh, phát huy những giá trị, lối sống và truyền thống tốt đẹp của người xứ Đông trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.
Có thể nói, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chương trình, kế hoạch về phát triển văn hoá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương nói chung, sự nghiệp văn hoá nói riêng giai đoạn 2015-2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng đất Xứ Đông “Địa linh nhân kiệt”, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường hơn nữa các giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã đề ra.