na
Tham luận tại đại hội
Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh

Tham luận của đồng chí Thạc sĩ, BSCKII. Phạm Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế

Được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch, lời đầu tiên thay mặt ngành y tế Hải Dương, xin chúc các vị đại biểu khách quý, các đồng chí Lãnh đạo Trung ương, Lãnh đạo tỉnh, cùng toàn thể các đồng chí tham dự Đại hội nhiều sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
 
Sau khi nghiên cứu các văn kiện chính trị trình Đại hội, tôi xin bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao. Để làm rõ thêm một số nội dung trong Báo cáo Chính trị, tôi xin được báo cáo tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh".
 
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
 
Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm: y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở như:
 
- Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với quan điểm là: “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng…”
Với chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Sở Y tế đã chủ động phối hợp các sở, ban ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là việc “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh”. Cụ thể trên các mặt hoạt động sau:
 
1. Về kiện toàn tổ chức bộ máy
 
- Chủ động rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ sở y tế (theo Đề án số 03-ĐA/TU ngày 28/4/2017 của Tỉnh uỷ), bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, tập trung được nguồn lực…: Sáp nhập 03 trung tâm tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; tuyến huyện sáp nhập 3 đơn vị thành Trung tâm Y tế. Như vậy đã giảm từ 54 đơn vị xuống còn 27; giảm số lượng Trạm Y tế xã từ 265 xuống còn 235.
- Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3894/QĐ-UBND, ngày 07/11/2019 Phê duyệt “Kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
 
2. Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị
 
Trong những năm qua, tuyến y tế cơ sở đã được đầu tư hơn 400 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế: Máy siêu âm màu 4D, hệ thống mổ nội soi, hệ thống nội soi dạ dày, đại trực tràng, máy chụp cắt lớp vi tính, hệ thống chụp X-quang số hóa DR…nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
3. Về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực y tế
 
- Các đơn vị đã nhận chuyển giao 51 kỹ thuật của tuyến Trung ương theo Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh, nhất là Dự án NORRED chuyển giao 418 kỹ thuật.
- Đã cử đi đào tạo, thu hút được nhiều Bác sĩ về công tác tại tuyến huyện, tuyến xã (145 Bác sĩ và 06 Dược sĩ đại học).
- Tỷ lệ cán bộ y tế: 40/vạn dân (2015), tăng lên 57/vạn dân (2019).
- Tỷ lệ bác sỹ: 8,2/vạn dân (2015) tăng lên 9,2/vạn dân.
 
4. Công tác y tế dự phòng
 
- Với phương châm dự phòng tích cực và chủ động, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả công tác giám sát dịch tễ và các chương trình phòng chống dịch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, do đó khi dịch bệnh xảy ra hàng năm đều được chủ động phát hiện sớm, huy động được sức mạnh tổng hợp để khống chế, bao vây dập tắt dịch kịp thời không để dịch bệnh lan rộng. Nhiều vắcxin mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), duy trì tỷ lệ TCMR đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi > 99%; Đã thanh toán được bại liệt, bệnh phong, loại trừ uốn ván sơ sinh.
- Đặc biệt, năm 2020, xuất hiện dịch COVID-19, Hải Dương ghi nhận 26 ca mắc, trong đó có 02 ổ dịch phức tạp và nguy hiểm (số 36 Ngô Quyền, Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương và ngã tư Thanh Xá, xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương), nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo nhất quán, kịp thời, sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh với quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, điều trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”, tỉnh ta đã nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch không để dịch lan rộng ra cộng đồng và được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đánh giá là một trong các địa phương đã thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, khống chế thành công sự lây lan của dịch bệnh.
 
5. Công tác khám, chữa bệnh
 
- Công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của tuyến Trung ương được triển khai áp dụng tại tỉnh như: Đặt stent động mạch vành, xạ trị ung thư, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi, …Nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh được triển khai áp dụng tại tuyến huyện như: Phẫu thuật nội soi, cắt túi mật, thận nhân tạo...
- Đã triển khai quản lý, điều trị bệnh Tăng huyết áp tại các Trạm y tế, cuối năm 2020 sẽ triển khai quản lý, điều trị bệnh Đái tháo đường tại các Trạm y tế.
- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Xây dựng cơ sở y tế “Xanh-Sạch-Đẹp”.
 
6. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
 
- Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không lây nhiễm gia tăng, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh dịch mới, bệnh lạ diễn biến khó lường làm tăng gánh nặng cho ngành y tế và người dân.
- Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế cơ bản thiếu, không đồng bộ, nhất là tuyến y tế cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động chuyên môn.
- Số lượng cán bộ y tế thiếu, nhất là bác sĩ tuyến huyện, xã.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT) còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý và khám, chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn.
 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Sở Y tế đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh một số vấn đề sau:
 
Thứ nhất, Tiếp tục chỉ đạo cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp phối hợp ngành y tế triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và các Kế hoạch của tỉnh.
 
Thứ hai, Đầu tư nguồn ngân sách triển khai thực hiện Quyết định số 3894/QĐ-UBND về “Kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
 
Thứ ba, Có cơ chế đủ mạnh để thu hút đội ngũ bác sỹ yên tâm về làm việc tại y tế cơ sở
 
Trên đây là tham luận của Sở Y tế tại Đại hội. Một lần nữa, xin chúc các vị đại biểu khách quý, các đồng chí tham dự Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Các tin mới hơn
Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0(22/10/2020)
Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(22/10/2020)
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở(22/10/2020)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế(22/10/2020)
Các tin cũ hơn
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần tạo sự chuyển biến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng(22/10/2020)
Giải pháp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao(22/10/2020)
Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp(22/10/2020)
Nâng cao hiệu quả việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII(22/10/2020)
Kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh(21/10/2020)
na
Những kinh nghiệm rút ra qua nhiệm kỳ 2015-2020: Bài cuối: Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra là kinh nghiệm quý sẽ tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới.
na
na
na
na
na
Liên kết website