Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, một số thành viên của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Hới, Trần Cung... đã về Hải Dương truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin, tuyên truyền vận động cách mạng, xây dựng tổ chức và lãnh đạo công nhân, nông dân đấu tranh chống áp bức, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhiều nơi, cơ sở cách mạng đã được hình thành như: Mỏ than Mạo Khê (Đông Triều) , Thượng Cốc (Gia Lộc), Đọ Xá (Chí Linh), phố Cựu Thành (thành phố Hải Dương)… và những nơi này đã thành lập được các tổ chức chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đây phong trào tiếp tục phát triển sang các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo2...
Trong 2 năm 1928 - 1929, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân trong tỉnh đã liên tiếp nổ ra, tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than Mạo Khê, nhà máy rượu Hải Dương, cuộc đấu tranh của nông dân các huyện Thanh Hà, Vĩnh Bảo, Tứ Kỳ...
Phong trào vận động cách mạng giai đoạn này tuy chưa phát triển rộng khắp ở tỉnh nhà, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ quần chúng cách mạng, chuẩn bị cơ sở chính trị, xã hội cho việc thành lập các tổ chức Đảng sau này.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới, thời kỳ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Mácxít, đấu tranh có mục tiêu, đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn.
Ngay sau khi Đảng ta ra đời, hai chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hải Dương đã được thành lập: Chi bộ mỏ than Mạo Khê, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ tổ chức và chi bộ Đọ Xá (Chí Linh) do đồng chí Trần Cung tổ chức.
Được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, các chi bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, kịp thời kêu gọi nhân dân đấu tranh, hưởng ứng phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Chi bộ Đọ Xá (Chí Linh) đã rải truyền đơn và treo cờ búa liềm ở chợ Chi Ngãi. Chi bộ mỏ than Mạo Khê treo cờ búa liềm trên cột điện, vận động công nhân đấu tranh.
Từ sau cuộc khởi nghĩa Xô Viết -Nghệ Tĩnh, kẻ thù ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hàng nghìn cán bộ của Đảng đã bị chúng bắt, tra tấn, tù đày, hãm hại. Phong trào cách mạng trong nước tạm thời lắng xuống.
Ở Hải Dương, cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (quê Thanh Tùng, Thanh Miện), một cán bộ cách mạng của Đảng, đã vượt ngục Hoả Lò (Hà Nội) về ấp Dọn (Bình Giang) hoạt động. Tại đây, đồng chí đã viết và phát hành báo “Công nông” để tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển cơ sở cách mạng. Mặc dù kẻ thù đàn áp và tiêu diệt nhưng ngọn lửa cách mạng đã được Đảng ta thắp sáng vẫn đang âm ỉ trong lòng quần chúng, chỉ chờ thời cơ sẽ lại bùng lên mãnh liệt.
Mùa hè năm 1936, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và để phối hợp với cuộc đấu tranh của Mặt trận bình dân Pháp, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, nhằm tập trung mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hoà bình. Từ đây, phong trào cách mạng ở tỉnh ta lại được phục hồi phát triển. Nhiều tổ chức dân chủ đã được thành lập ở thị xã Hải Dương và các huyện Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Cẩm Giàng, Vĩnh Bảo... Năm 1937, đồng chí Lê Thanh Nghị (quê ở Thượng Cốc, Gia Lộc) được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Dương xây dựng cơ sở cách mạng, đã chủ trì cuộc họp thống nhất phong trào thanh niên dân chủ trên phạm vi toàn tỉnh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào dân chủ, tháng 8/1938, với tư cách là Xứ uỷ viên Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã về Hải Dương kiểm tra, chỉ đạo phong trào và công nhận việc thành lập 3 chi bộ Đảng, bao gồm: Chi bộ nhà máy nước Ninh Giang, chi bộ thị xã Hải Dương, chi bộ xã Cổ Am (Vĩnh Bảo).
Sau khi các chi bộ được thành lập, phong trào cách mạng ở các địa phương được tiếp thêm sức mạnh mới. Sách báo công khai của Đảng, của các đoàn thể dân chủ như “Tin tức”, “Dân chúng”, “Đời nay”… được truyền bá rộng rãi, kêu gọi công nhân, nông dân rầm rộ xuống đường đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào áp bức... tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Rượu, Sở Lục Lộ Hải Dương, nhà máy Nước Ninh Giang, mỏ than Mạo Khê, nhà thương Hải Dương..; của nông dân Thanh Hà, Vĩnh Bảo...; của học sinh, trí thức đòi tự do lập hội...
Các cuộc đấu tranh trên, bước đầu, đã đem lại một số quyền lợi thiết thực cho quần chúng, nhưng ý nghĩa quan trọng là nó góp phần tích cực bồi dưỡng tinh thần cách mạng, sự giác ngộ về chính trị và củng cố lòng tin của nhân dân vào tiền đồ cách mạng.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Chính phủ Pháp đã phản bội nhân dân Pháp và đi theo con đường phát xít. Ở Đông Dương, chính quyền thực dân cũng thẳng tay đàn áp cách mạng. Thành viên của các tổ chức Đảng, đoàn thể, các hội yêu nước... bị săn lùng ráo riết, hàng loạt cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt, tù đày, sát hại. Trước tình hình trên, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939) đã quyết định chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình mới, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt, thành lập Mặt trận phản đế và chuyển trung tâm hoạt động về nông thôn.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Liên Tỉnh ủy B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai) được thành lập và chọn Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách) làm trung tâm hoạt động. Tháng 5/1940, chi bộ Tạ Xá (Nam Sách), chi bộ Trại Chua - Hàm Ếch (Chí Linh) được thành lập. Nhiều nơi trong tỉnh đã hình thành tổ chức phản đế và hoạt động tích cực như ở Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Chí Linh, thị xã Hải Dương...
Trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh, được sự đồng ý của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Liên Tỉnh ủy B, ngày 10/6/1940, Ban Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Hải Dương được thành lập (tại nhà cụ Lê Thị Thạnh, thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến, Nam Sách), gồm 3 đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Tấn Phúc, do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư.
Ngày 10/6/1940 đã đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương và là một mốc mới trên con đường đấu tranh cùng cả nước vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương và Xứ uỷ, ngay sau khi thành lập, Đảng bộ đã tăng cường xây dựng lực lượng, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị cùng cả nước tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17/8/1945, trong khí thế cách mạng sục sôi, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Hải Dương là 1 trong 4 tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước. Trong vòng 6 ngày (17-22/8/1945), Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng ở các cấp.
Chính quyền cách mạng vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, đối mặt với sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, từ cuối tháng 8/1945 - 12/1946, dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ Hải Dương đã vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, tranh thủ thời gian, tích cực củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt, quyết tâm bảo vệ chính quyền mới được thành lập, giữ vững thành quả cách mạng. Ngày 26/4/1946 - ngày bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã khoá đầu tiên ở Hải Dương đã thắng lợi, góp phần xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân.
Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 6/1946, Đại hội Đảng bộ Hải Dương lần thứ nhất với 80 đại biểu đại diện cho 250 đảng viên toàn tỉnh được tiến hành. Đại hội đã thảo luận Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”; chủ trương “Hòa để tiến” của Trung ương Đảng và đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương lại bước vào vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Với trên 13 ngàn trận đánh lớn nhỏ, quân và dân Hải Dương đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng gần chục vạn tên địch, thu hàng nghìn súng các loại, phá huỷ hàng trăm đầu tàu, toa xe, xe cơ giới, ca nô, tàu chiến, thu hàng tấn quân trang, quân dụng làm nên “Tiếng sấm đường 5” anh hùng, góp phần cùng cả nước đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh lại cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của đế quốc Mỹ.
Từ tháng 01/1968, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, Đảng bộ tỉnh Hải Dương hợp nhất với Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng tiếp tục đưa quân và dân trong tỉnh vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Con em Hải Hưng đã lên đường vào Nam chiến đấu, đồng thời quân và dân Hải Dương đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, trong đó có 13 chiếc do lực lượng vũ trang tỉnh bắn rơi, bắt sống hàng chục giặc lái, góp phần tích cực đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, cùng cả nước đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Tháng 1/1997, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Quốc Hội, tỉnh Hải Dương và Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập.
Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương, đến tháng 4/2020, toàn tỉnh Hải Dương có: 38.941 liệt sĩ; 21.734 thương binh; 10.490 bệnh binh; 4.076 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 38 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 226 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 766 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng 8/1945; 3.645 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 7.518 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; hàng chục vạn người hoạt động kháng chiến, giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến; Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” và “Bằng có công với nước”…
Trải qua 80 năm kể từ ngày thành lập, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, từ chỗ Ban Tỉnh ủy lâm thời chỉ có 3 đồng chí với 14 đảng viên, đến tháng 4/2020, toàn Đảng bộ đã có 106.989 đảng viên, sinh hoạt ở 677 tổ chức cơ sở đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương luôn tuyệt đối trung thành, một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; bám sát, vận dụng có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phát huy sức mạnh đại đoàn kết, triển khai thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thu được thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá 2010) tăng bình quân 8,8%/năm (mục tiêu từ 8 - 8,5%), trong đó giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,8%/năm, Công nghiệp – Xây dựng tăng 11,5%/năm, Dịch vụ tăng 6,9%/năm, cao hơn giai đoạn 2010 - 2015 (7,7%), cao hơn mức bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (khoảng 3.110 USD). Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 30,8% (giai đoạn 2011-2015) lên 39,1% (giai đoạn 2016 - 2020).
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị trồng trọt - lâm nghiệp. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 156,2 triệu đồng (tăng 23,2 triệu đồng so với năm 2015), vượt mục tiêu đề ra (150 triệu đồng/1ha). Duy trì ổn định diện tích 55.000 ha sản xuất lúa, năng suất, chất lượng được nâng lên, đảm bảo an ninh lương thực. Sản xuất rau màu được mở rộng về diện tích, chủng loại và thị trường tiêu thụ.
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng từ 92,9% năm 2015 lên 94,5% năm 2020. Quy mô ngành công nghiệp năm 2020 gấp 2,2 lần năm 2015. Một số sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực sản xuất ổn định và tăng khá cao, như: may mặc tăng 17,2%/năm, giầy dép tăng 20,2%/năm, thép tăng 14,7%/năm, mạch điện tử tăng 16,6%/năm... Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng khá, tổng giá trị đạt trên 32 tỷ USD, tăng bình quân 13,5%/năm. Nhiều loại hình dịch vụ được khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển đa dạng, một số loại hình dịch vụ chất lượng cao và tiện ích được hình thành; chất lượng nhân lực, dịch vụ… được cải thiện khá rõ, như: dịch vụ vận tải - kho bãi, thông tin truyền thông, du lịch, ngân hàng, dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe thẩm mỹ…
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được chú trọng đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình giao thông kết nối với các tỉnh lân cận, như: Dự án Cầu Triều và đường dẫn nối Quốc lộ 18 với đường tỉnh 398 B (thị xã Kinh Môn); Dự án xây dựng Cầu Dinh kết nối Quốc lộ 17B, đường tỉnh 389 (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 352 (huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng); Dự án xây dựng Cầu Quang Thanh kết nối đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 360 (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng); Dự án kết nối đường trục trung tâm đô thị Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đến QL38…
Công tác quản lý tài chính ngân sách được thực hiện tốt. Từ năm 2017, Hải Dương trở thành là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 79.261 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán), trong đó thu nội địa 62.178 tỷ đồng (tăng bình quân 12%/năm). Thực hiện các biện pháp chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.
Công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch có bước tiến bộ; cơ bản thực hiện phủ kín quy hoạch xây dựng cho khu vực đô thị và nông thôn, đảm bảo kết nối đồng bộ và định hướng phát triển. Công tác nâng cấp, phát triển đô thị đạt kết quả nổi bật, hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính và nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I, thị xã Chí Linh đạt đô thị loại III và trở thành thành phố, huyện Kinh Môn đạt đô thị loại IV và trở thành thị xã. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 32,2% (mục tiêu 33 - 35%).
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại phục vụ việc khám, chữa bệnh tiếp tục được đầu tư, áp dụng. Thực hiện có hiệu quả chủ trương giảm số lượng các đơn vị đầu mối sự nghiệp và chuyển đổi cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh công lập, đã giảm số lượng đầu mối từ 54 xuống còn 27 đơn vị; Giảm số lượng các khoa, phòng thuộc đơn vị sự nghiệp từ 275 xuống còn 198 (giảm 77 khoa, phòng). Công tác y tế dự phòng, dân số, kế hoạch hóa gia đình được triển khai có hiệu quả. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng. Thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng thuận lợi, các chỉ tiêu về sức khoẻ không ngừng được tăng lên, nhiều chỉ số cao hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc, tuổi thọ trung bình từ 74,5% năm 2015 ước tăng lên 75 tuổi vào năm 2020 (toàn quốc 73,8). Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ước giảm từ 11,7% xuống 10,2% (toàn quốc 12,0); Tỷ lệ người dân tham gia BHYT từ 78,5% lên 89%; Số bác sĩ/vạn dân từ 7,9 tăng lên 10; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc từ 76,62% tăng lên 82%; Số giường bệnh (không tính giường trạm y tế xã) trên 1 vạn dân từ 25,5 giường tăng lên 31,9%.
Hạ tầng và dịch vụ thông tin, truyền thông tiếp tục được hoàn thiện và ngày càng đồng bộ, hiện đại, 100% diện tích của tỉnh được phủ sóng mạng di động 3G, 90% diện tích phủ sóng 4G; Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động đạt 123 máy/100 dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 15 thuê bao/100 dân, di động đạt 65 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đạt 70%; Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 60%-70%.
Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 1,1%/năm, từ 7,19% năm 2015 ước còn 1,36% vào năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 ước đạt 75%, trong đó có chứng chỉ đạt 24%; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, từ 35,1% năm 2015 xuống còn 25% năm 2020; tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, từ 36,5% năm 2015 lên 48% năm 2020. Công tác quản lý nhà nước về lao động được tăng cường; việc tuyển sinh dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động được thực hiện tốt, hằng năm tuyển sinh dạy nghề cho 36.500 lao động, giải quyết việc làm mới cho trên 35.000 lao động, trong đó xuất khẩu trên 4.500 lao động; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng bình quân 8,4 %/năm. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của phụ nữ và trẻ em được bảo đảm. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt tệ nạn ma túy đạt kết quả tích cực. Việc triển khai hiệu quả hệ thống các chính sách an sinh xã hội đã tạo ổn định xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, ước năm 2020 thu nhập bình quân đạt 4,85 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng/tháng so với năm 2015; các chỉ tiêu cơ bản về thu nhập, chi tiêu, nhà ở và các phương tiện sinh hoạt phục vụ đời sống người dân hàng năm đều tăng lên.
Hoạt động đối ngoại của tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả, thiết thực; tiếp tục duy trì tốt các mối quan hệ hợp tác và đã ký kết nhiều văn bản hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Yên; thành phố Hà Nội, Hải Phòng... và một số nước như: Kagoshima (Nhật Bản), Viêng Chăn (Lào), Montreuil (Pháp), Bách Sắc, Tế Nam (Trung Quốc)…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, có thêm 3 di tích, cụm di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt: Văn Miếu Mao Điền; Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia. Các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì rộng khắp và có bước phát triển; thể thao thành tích cao được khẳng định vị thế trong toàn quốc và khu vực, luôn duy trì trong tốp 10 tỉnh, thành, ngành có thành tích thể thao mạnh nhất cả nước qua các kỳ đại hội.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần ổn định chính trị cơ sở. Tỷ lệ các danh hiệu văn hóa hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh có 88,6% số gia đình văn hoá, 92,7% số làng, khu dân cư văn hóa.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm vào cuộc và quyết liệt triển khai thực hiện; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt cả về thu nhập và điều kiện sống. Hạ tầng thiết yếu ở thôn, xã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân khu vực nông thông được nâng lên. Đến năm 2020, toàn bộ các huyện, thành phố, thị xã và các xã trên địa bàn tỉnh đều về đích nông thôn mới.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được củng cố và tăng cường. Trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã giao 16.100 công dân nhập ngũ, hoàn thành 100% chỉ tiêu. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 22.454 đối tượng; giáo dục Quốc phòng an ninh cho 66.893 học sinh, sinh viên; tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,56% dân số; đào tạo 465 sỹ quan dự bị từ nguồn ngân sách địa phương. Tổ chức diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh và 438 cuộc diễn tập các cấp, các ngành; đầu tư xây dựng công trình trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh 88 tỷ. Chi trả cho 21.931 đối tượng với kinh phí trên 65 tỷ đồng; xây dựng 37 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà, thăm hỏi đối với nhiều đối tượng chính sách. Vận động hơn 1,2 tỷ đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đón nhận hài cốt 03 liệt sĩ hy sinh tại Campuchia, quy tập 23 hài cốt liệt sĩ. Giám định thương tật cho 247 trường hợp. Xác định liệt sĩ cho 04 trường hợp...
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định, luôn chủ động, kịp thời phát hiện và đấu tranh, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá; đảm bảo vững chắc an ninh trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa tư tưởng, tôn giáo. Giải quyết kịp thời, ổn định các vụ việc phức tạp, tập trung đông người, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm đạt kết quả tích cực, chất lượng điều tra, khám phá các vụ án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm được nâng cao, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 84,2% (vượt 4,2%), trong đó án trọng điểm đạt 90,8% (vượt 0,8%); xây dựng và nhân rộng trên 700 lượt mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng “Tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ an ninh trật tự”...
Công tác thanh tra được triển khai thực hiện đúng quy định, giảm bớt tình trạng chồng chéo, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa vi phạm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tương đối đầy đủ, nghiêm túc; cơ bản các đơn thư được xem xét giải quyết, nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở. Chất lượng giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân từng bước được nâng lên, đảm bảo đúng pháp luật. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, nhất là các vụ việc đông người, kéo dài ở một số địa phương được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm.
Công tác xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng được tăng cường; đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 37 tổ chức đảng (trong đó có 13 chi bộ cơ sở, 24 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) với 304 đảng viên; thành lập được 163 tổ chức Công đoàn với 70.357 đoàn viên; 36 tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên với 2.012 đoàn viên, thanh niên; 02 tổ chức Hội Cựu chiến binh với 37 hội viên; đã cơ bản sắp xếp xong các chi bộ có đông đảng viên và thôn, khu dân cư có nhiều chi bộ ở xã, phường, thị trấn theo hướng 01 thôn, khu dân cư có 01 chi bộ, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 10/1.334 thôn, khu dân cư có 2 chi bộ.
Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh gắn với giải quyết các cơ sở đảng yếu kém được đẩy mạnh, hằng năm, có trên 70% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh (hoàn thành tốt nhiệm vụ); đội ngũ cán bộ, đảng viên được quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng; đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp được 2.500 đảng viên...
Công tác tổ chức, cán bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả rõ nét, đối với cấp huyện: có12/12 đơn vị đã bố trí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị; 9 đơn vị bố trí trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc; 04 đơn vị bố trí trưởng ban tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ; 03 huyện thực hiện bố trí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là chánh thanh tra; 02 huyện hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng ủy ban nhân dân. Đối với cấp xã: 20 đơn vị thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Đối với cấp tỉnh: Giải thể Đảng ủy khối Doanh nghiệp; mỗi sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, mỗi chi cục và trung tâm trực thuộc sở, ngành cấp tỉnh giảm được ít nhất 1 phòng, ban chuyên môn và tương đương so với quy định hiện hành. Đối với đơn vị sự nghiệp: giảm 106 đơn vị; Tổng số người được tinh giản 550 người. Tổng số chỉ tiêu biên chế thực hiện giảm 3.014 chỉ tiêu. Giảm số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh không giao chỉ tiêu biên chế 2.308 người.
Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được gắn chặt chẽ với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về nêu gương; trong đó đã lựa chọn 03 công việc trọng tâm, mang tính đột phá: công việc thứ nhất: “Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc theo đúng thẩm quyền, đúng quy định; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị”; công việc thứ hai: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và cải cách tài chính công; tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân trong các cơ quan nhà nước”; công việc thứ ba: Tiếp tục “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị, cuộc họp của cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên được coi trọng; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nói đi đôi với làm, luôn thể hiện thái độ gần dân, trọng dân...
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, với phương châm: chọn việc, chọn điểm, chọn mô hình, có tính đột phá, bước đầu đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở; tích cực tuyên truyền, vận động, tập hợp và đoàn kết đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước phát động; tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; tích cực thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, làng, khu dân cư văn hoá; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường; tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo, từ thiện; giữ gìn an ninh trật tự, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định tình hình cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Phối hợp tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, hoạt động tiếp xúc cử tri, tham gia xây dựng pháp luật...
Nhìn lại 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, kiên định với lý tưởng và con đường lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Ban Quản trị Trang tin điện tử Đại hội XVII