Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Miện - Lê Văn Duẩn cho rằng: Hải Dương được đánh giá là vựa nông sản của đồng bằng sông Hồng khi có các điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, nguồn nước... tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh đã hình thành những vùng chuyên canh lúa, rau màu mang lại giá trị cao là hành, tỏi ở Kinh Môn, lúa chất lượng cao ở Thanh Miện, rau màu ở Gia Lộc, cà rốt ở Cẩm Giàng... Hiện nay và trong những năm tới, Hải Dương tuy chưa có dấu hiệu mất an ninh lương thực nhưng áp lực của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm diện tích nông nghiệp giảm mạnh. Do đó việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đất nông nghiệp là thực sự cần thiết.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, mỗi năm tỉnh đã chuyển hơn 1.000 ha đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Một số diện tích "bờ xôi ruộng mật" bị thu hồi rồi mòn mỏi chờ dự án, bị bỏ hoang hóa qua nhiều năm gây lãng phí lớn.
Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóaXVII, để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì một trong những giải pháp là quy hoạch phát triển các vùng trọng điểm chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở những địa phương có lợi thế. Để làm được điều này, phải có quy hoạch bảo vệ quỹ đất nông nghiệp. Đất châu thổ phù sa màu mỡ hình thành qua hàng nghìn, hàng triệu năm mới có được, là tài sản vô cùng quý giá, là tiền đề để phát triển nông nghiệp bền vững. Những diện tích này phải được định hướng quản lý và phát triển phù hợp, không vì bất cứ lý do gì mà chuyển đổi mục đích sử dụng.
Nguồn: Báo Hải Dương