Biết được thông tin cơ bản về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, anh bạn tôi - một người xa quê mấy năm vận ngay câu thơ: "Năm năm mới bấy nhiêu ngày/mà Hải Dương đã đổi thay khá nhiều”. Dù khiêm tốn và còn những băn khoăn nhưng tôi tin nhiều người cũng có thể đồng tình với nhận xét này trước những con số và công trình biết nói.
Kế tiếp những thành tựu từ những nhiệm kỳ trước, 5 năm qua, trên vùng đất có khoảng 1,9 triệu dân sinh sống đã chứng kiến một cuộc cách mạng sôi động về cơ cấu các ngành kinh tế - dịch vụ, tạo thêm một bước quan trọng trên con đường đưa Hải Dương tới gần đích tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều đó không chỉ dừng ở những kết quả đưa quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015, đứng thứ 11 trên toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng, tương đương khoảng 3.020 USD, đứng thứ 19 trong cả nước và đứng thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 83.375 tỷ đồng (vượt 13% dự toán), trong đó thu nội địa 63.826 tỷ đồng (đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng), tăng bình quân 11,6%/năm. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu, chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.
Đó còn là tín hiệu vui từ 10 khu công nghiệp, hàng chục cụm công nghiệp, với đủ cả các loại hình doanh nghiệp: nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài về tận thôn làng. Cái ước mơ của người vốn sống ở xứ thuần nông nghèo khổ, ăn không no, áo không lành, con cái học hành, vui chơi trong bóng tối… nay đã trở thành người lao động, làm ra nhiều hàng hóa xuất khẩu đi từ Mỹ, EU, Nhật Bản đến châu Phi.
Sự thay đổi cơ cấu kinh tế cũng đã và đang diễn ra sôi động trong nông nghiệp, nông thôn, trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Nếu như vào những năm 2015-2016, cái cụm từ “nông thôn mới” có nơi còn xa lạ thì hôm nay cơ bản tất cả các địa phương trong tỉnh đã đạt danh hiệu này và bây giờ cụm từ “hot” lại phải là “nông thôn mới nâng cao”. Ánh sáng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã lan tỏa đến nông nghiệp, nông thôn, biến thành những ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Tất tật đều phấn đấu có giá trị gia tăng, xuất khẩu, đưa giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt, nuôi thủy sản năm 2020 đạt 164 triệu đồng, tăng 31 triệu đồng so với năm 2015. Thế giới và các thị trường trong nước không chỉ biết đến Hải Dương với vải thiều, bánh đậu xanh, bánh gai… mà còn có cả một chuỗi sản phẩm dài hàng hóa từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp cao… Tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2015-2020 đạt 31,6 tỷ USD, tăng bình quân 11,9%/năm.
Chỉ điểm qua đôi nét đã hình dung ra bức tranh kinh tế Hải Dương phong phú, đa dạng, đa màu sắc. Đó cũng là triển vọng, là cơ sở, bệ đỡ tin cậy cho con đường đi lên của Hải Dương sắp tới, dù trước mắt cuộc chiến phòng chống Covid-19 vẫn còn nan giải trên toàn cầu.
Những thành tựu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã giành được cùng những giải pháp, kinh nghiệm kể cả thành công hay chưa thành công trong nhiệm kỳ qua thực sự quý giá cho chặng đường mới. Từ khát vọng vươn lên của hàng chục vạn người thợ trong các doanh nghiệp, khát vọng làm giàu, lên nông thôn mới từ 70% số dân của tỉnh đang ở nông thôn trên nền tảng kiến trúc thượng tầng và kết cấu hạ tầng đã có, lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt… nhất định Đảng bộ và nhân dân ta sẽ biến khát vọng vươn lên từ Đại hội với những mục tiêu, dự án, chương trình hành động… thành hiện thực, đưa Hải Dương ngày càng phát triển, giàu mạnh, văn minh.
Nguồn: Báo Hải Dương