Trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 16 trình Đại hội. Được sự đồng ý của Đoàn chủ tịch, thay mặt đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Chí Linh, tôi xin phát biểu tham luận với nội dung: Phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng thành phố Chí Linh trở thành đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao, xứng đáng là một trung tâm động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới.
Chí Linh - vùng địa quân sự/địa văn hóa của xứ Đông và cả nước. Nơi quy tụ và di dưỡng nhiều hiền tài của quốc gia - dân tộc. Nơi điểm dừng của mạch núi Đông Bắc. Nơi hội tụ và lan tỏa của 6 dòng sông lịch sử. Nơi in đậm các đại di tích của Đạo Nội, Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Mẫu, Đạo học Việt Nam. Vì thế! từ ngàn xưa, Chí Linh đã được lịch sử phong danh là một vùng “địa linh nhân kiệt”, bởi sự kỳ vĩ, kỳ linh của thế núi, dáng sông, của mạch nguồn linh khí và của con người vùng đất này. Mỗi địa danh nơi đây, đều gắn với các nhân vật, sự kiện lịch sử, các truyền thuyết, huyền tích của các bậc thánh nhân, liệt nữ trong tâm thức người Việt. Với địa hình “nửa miền đồng ruộng, nửa miền núi non” - núi rừng, sông nước, suối hồ hùng vĩ và thơ mộng đã tạo ra những khác biệt về khí hậu, cảnh quan của Chí Linh với các địa phương khác trong vùng. Có thể khẳng định rằng, Chí Linh - vùng đất chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch phong phú như du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch golf, du lịch mạo hiểm và trải nghiệm. Đây là tài sản quý giá của thiên nhiên và ông cha truyền lại! Là tiềm năng, lợi thế! Là sức mạnh nội lực! Là động lực to lớn của Chí Linh trong chiến lược phát triển thành phố.
5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, du lịch Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, dần khẳng định là một trong những trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh. Cùng với kết quả của tỉnh, du lịch, dịch vụ Chí Linh cũng đã có những bước phát triển mới, đóng góp một phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của thành phố. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư xây dựng. Hệ thống khách sạn, nhà hàng và sân gôn Ngôi sao Chí Linh hoạt động hiệu quả. Các khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc, Phượng Hoàng, Đền Cao, Thanh Mai, Đền Sinh - Đền Hóa ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến chiêm bái, thưởng ngoạn. Hạ tầng giao thông kết nối du lịch từng bước được quan tâm đầu tư. Cảnh quan các khu du lịch, điểm dừng chân, cơ sở kinh doanh dịch vụ được chú trọng cải tạo khang trang, sạch đẹp.
Chí Linh đã thu hút và đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, tu bổ, phục hồi các di tích, quần thể di tích gắn với định hướng phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, UBND tỉnh và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ “Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm thời Trần” gồm các trọng điểm: khu di tích Yên Tử, chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (tỉnh Quảng Ninh), chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Quy hoạch bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hoá Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thành phố Chí Linh, các Quy hoạch khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Sông Quê, Phượng Đình Sơn, Trúc Thôn, Hồ Mật Sơn,... đã và đang được các nhà đầu tư tích cực triển khai. Kinh doanh du lịch giữ mức tăng trưởng khá đối với các chỉ tiêu về doanh thu và khách du lịch; bước đầu tạo được một số sản phẩm tour, tuyến du lịch mới. Hiện nay, thành phố đã kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn như tập đoàn SunGroup, TH-truemilk, FLC, Tập đoàn Hà Bắc,... vào nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn về phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch, dịch vụ Chí Linh vẫn còn những hạn chế như sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu, thiếu tính cạnh tranh, đặc biệt là các dịch vụ du lịch bổ sung, chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách. Hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực du lịch tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu. Nguồn lực đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế; còn thiếu sự gắn kết trong phát triển du lịch.
Để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch, dịch vụ dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và định hướng của tỉnh “xây dựng thành phố Chí Linh trở thành đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao, xứng đáng là một trung tâm động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới”, thành phố Chí Linh cam kết sẽ quyết liệt đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch; lập và triển khai Đề án phát triển du lịch Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; nghiên cứu vận dụng đồng bộ Lục biến (6 biến đổi) trong phát triển du lịch (biến Di sản thành Tài sản; biến Văn hóa thành Hàng hóa; biến Tài nguyên thành Tài chính; biến Môi trường thành Thị trường; biến Nguồn lực thành Động lực; biến Giá trị thành Giá cả) và 2 quá trình thay đổi song song (Kinh tế hóa Văn hóa và Văn hóa hóa Kinh tế) trong khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về các giá trị di sản văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên. Chủ động phát triển nguồn nhân lực và các loại hình sản phẩm du lịch; liên kết không gian phát triển du lịch nội tỉnh và kết nối liên vùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang; xây dựng, nâng cấp các điểm dừng chân, cơ sở dịch vụ lưu trú, ẩm thực, các dịch vụ du lịch bổ sung; phối hợp tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử, văn hóa, nâng cấp các lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội Khai bút, Về nguồn, lễ hội Đền Cao, Thanh Mai, Đền Sinh - Đền Hóa, đồng thời thực nghiệm các chương trình lễ hội du lịch mới, tạo sức hấp dẫn thu hút du khách tham quan.
Đạt được các mục tiêu đó, chắc chắn sẽ phải cần thêm sự hoàn thiện cả về cơ chế, chính sách của tỉnh; sự hỗ trợ hiệu quả của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố bạn; sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân thành phố. Tại Đại hội hôm nay, tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp về hỗ trợ cơ chế, đầu tư của tỉnh như sau:
1. Về công tác quy hoạch
Đề nghị tỉnh đồng ý điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thành phố Chí Linh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và định hướng phát triển đô thị Việt Nam. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, quy hoạch rõ không gian phát triển các vùng kinh tế du lịch, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Phối hợp hoàn thiện việc lập quy hoạch mặt bằng kiến trúc tổng thể và cảnh quan các di tích, danh thắng Phượng Hoàng, Đền Cao, Đền Sinh - Đền Hóa, Thanh Mai, Ngũ Đài Sơn. Trong triển khai thực hiện “Đề án phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” cần định vị Chí Linh là vùng du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh, hướng tới xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch quốc gia.
2. Về phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ
Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại trên địa bàn thành phố Chí Linh, mở ra kết nối kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, cũng như các tuyến kết nối với huyện Nam Sách và thị xã Kinh Môn. Ưu tiên nguồn vốn thực hiện hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thành phố Chí Linh. Đầu tư mở rộng tuyến đường vào khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, các tuyến đường tỉnh quản lý đến và qua các khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn thành phố, tạo kết nối liên hoàn các di sản văn hóa nội vùng và liên vùng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư về du lịch và các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch của các nhà đầu tư. Áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút các nhà đầu tư lớn vào các dự án phát triển du lịch, dịch vụ có sức cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Quan tâm hỗ trợ một phần nguồn lực trong quá trình triển khai các hợp phần Đề án“Xây dựng thành phố thông minh”.
3. Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ
Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cơ sở. Định kỳ tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, trong đó cần chú trọng cả công tác đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia về từng lĩnh vực chuyên sâu của hoạt động du lịch. Triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ, văn hóa ứng xử, kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch và người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, chuyển giao các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Đây là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và khả năng thích ứng nhanh của du lịch, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Đồng thời, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người dân địa phương tham gia chuỗi các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ.
4. Về phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch
Tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp để tạo những sản phẩm du lịch mới mang thương hiệu đặc sắc Chí Linh, đặc sắc Hải Dương; quan tâm dành nguồn vốn từ ngân sách hằng năm để hỗ trợ tổ chức các hoạt động và tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá chương trình du lịch, đưa hình ảnh các giá trị văn hóa, con người, thắng cảnh Chí Linh, Hải Dương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; tạo liên kết chặt các tour, tuyến với vùng du lịch Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Bộ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển truyền thông du lịch một cách bài bản, khoa học. Trong đó, quan tâm các nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông nội khu, tại điểm; xây dựng văn hóa thương hiệu nội bộ; liên kết truyền thông; xây dựng cơ sở dữ liệu truyền thông thông minh gắn với mục tiêu hướng tới du lịch thông minh. Đặc biệt coi trọng các giải pháp về bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn. Làm tốt việc quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch Chí Linh, du lịch Hải Dương.
Xây dựng thành phố Chí Linh là đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao - nơi điểm đến lý tưởng trong bản đồ du lịch Việt Nam, xứng đáng là trung tâm động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới là mục tiêu, là khát vọng vươn tới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Chí Linh. Để thực hiện được mục tiêu, khát vọng này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Chí Linh rất mong nhận được những cơ chế, quyết sách “mở đường” của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương.