Hôm nay, rất vinh dự được tham gia Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, từ diễn đàn trang trọng này, cho phép tôi xin gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội, các quý vị đại biểu cùng toàn thể Đại hội lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình cao với Báo cáo chính trị do Đoàn Chủ tịch trình Đại hội. Sau đây, tôi xin tham luận về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) góp phần cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp trong giai đoạn mới.
CCHC là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt toàn bộ tiến trình cải cách Nhà nước. Mục tiêu cốt lõi của CCHC là nhằm tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính Nhà nước, qua đó giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời góp phần tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ các nhu cầu của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Trong 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực, đó là: Các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu luôn chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và bám sát các nội dung, yêu cầu CCHC, từng bước nâng cao, cải thiện các chỉ số của tỉnh: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số đánh giá CCHC (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Trong đó, Chỉ số đánh giá CCHC tăng lên 10 bậc, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công luôn đứng trong tốp 10 của cả nước .
Trong điều kiện hiện nay, tỉnh luôn quan tâm chú trọng Cải cách thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; trong đó nhiều cơ chế, chính sách đột phá của Hải Dương đã làm phong phú thêm cơ sở lý luận, cũng như kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc hội nhập quốc tế. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cấp có thẩm quyền trong tỉnh đã ban hành gần 4000 văn bản QLPL là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực của tỉnh trong công tác này.
Bên cạnh việc cải cách thể chế, cải cách TTHC là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước, tổ chức và công dân, đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh đã tập trung rà soát, đơn giản hoá tối đa TTHC, đã giảm tối thiểu thời hạn giải quyết của gần 150 TTHC... nhằm gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; đồng thời nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ công chức, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao hình ảnh, vị thế của Hải Dương trước cộng đồng trong nước và quốc tế. Đây là những giá trị vô hình, nhưng có tác động to lớn đến việc cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta.
Cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước ở ba cấp được thực hiện quyết liệt, thận trọng, lựa chọn mô hình thí điểm để triển khai. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01 về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020; Đề án số 03 về sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021. Những vấn đề Hải Dương đặt ra trong các Đề án này cũng là những nội dung được Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) năm 2017 chỉ đạo tại Nghị quyết số 18,19 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 29 tổ chức bên trong các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, giảm 142 đơn vị sự nghiệp và 154 tổ chức bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 30 xã, 135 thôn, khu dân cư; đồng thời giảm trên 4.000 biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; gần 4.200 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu dân cư... là những kết quả bước đầu hướng tới bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC tỉnh đặc biệt quan tâm, từ việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, hỗ trợ CB,CC,VC đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ hoặc nghỉ công tác theo nguyện vọng, đến việc ban hành quy định tiêu chuẩn, chức danh; công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ gắn với thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, thể hiện sự nhiệt huyết, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo nên sức mạnh của uy tín, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng và hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp trong tỉnh.
Tuy đã đạt những kết quả quan trọng, tích cực, nhưng công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới, phát triển của tỉnh cũng như sự kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... Đó là: Còn thiếu các thể chế mang tính đột phá, thiếu các thể chế nhằm phát huy tối đa các lợi thế so sánh của Hải Dương nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19; giải quyết TTHC còn điểm nghẽn; một số CCVC còn gây phiền hà đối với tổ chức, công dân hay trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, chất lượng thực thi công vụ bất cập, hạn chế, nên thứ hạng chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của tỉnh. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC đi đôi với nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ CBCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp tôi xin được đề xuất một số giải pháp cụ thể, đó là:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa của CCHC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện CCHC; bảo đảm sự nhất quán, kiên trì quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai công tác CCHC từ tỉnh đến cơ sở.
Hai là, tập trung cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, như: cơ chế, chính sách hỗ trợ hậu Covid-19, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cơ chế đột phá về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Tỉnh cần ban hành Nghị quyết về CCHC giai đoạn 2021-2030.
Ba là, đẩy mạnh cải cách TTHC, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC. Ưu tiên tối đa giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử. Thực hiện tốt Cổng dịch vụ công trực tuyến, tăng nhanh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Bốn là, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, năng động, hiện đại theo hướng phục vụ, bảo đảm chỉ số hài lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng cao. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC; trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, chất lượng thực thi công vụ, đạo đức, ý thức trách nhiệm của CB, CC, VC cũng như kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình trong thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Năm là, tích cực xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới vào điều hành hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục đổi mới, cải cách về tài chính công.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá công tác CCHC; Kịp thời phát hiện, xử lý những khó khăn, vướng mắc về CCHC; đề cao phát huy vai trò giám sát các đoàn thể đối với công tác CCHC.