na
Tham luận tại đại hội
Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Tham luận của đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

 
Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI trình bày tại Đại hội, đồng thời tôi cũng hoàn toàn nhất trí với Dự thảo các Văn kiện trình đại hội XIII của Đảng. Để làm rõ thêm một số nội dung nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, tôi xin tham luận với nội dung: “Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
 
Trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử đang trở thành một xu thế tất yếu, chủ đạo để phù hợp với bối cảnh chung của tiến trình chuyển đổi số, xã hội số; đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trong từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu. Tỉnh Hải Dương của chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm coi việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) là nhiệm vụ trọng tâm, chủ đạo trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; đem lại diện mạo mới cho bức tranh Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
 
Ngành Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
 
- Xây dựng Kiến trúc CNTT 1.0 của tỉnh; tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng nền tảng và ứng dụng dùng chung cho CQĐT; các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; quan tâm phát triển nguồn nhân lực CNTT...
 
- Xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương tích hợp với Cổng Thanh toán trực tuyến và kết nối với Cổng Dịch vụ công trực tuyến Quốc gia. Hệ thống "Một cửa điện tử" đã được triển khai đồng bộ và thống nhất trong toàn tỉnh; Xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu - LGSP” của tỉnh kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
 
- Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được triển khai đồng bộ đến cấp xã, đảm bảo kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh và đã được kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia. Đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cấp được trên 1.700 chữ ký số cho cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Triển khai hệ thống Thư điện tử công vụ với hơn 7.000 tài khoản của cán bộ, công chức, viên chức.
 
- Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng chuyên ngành thống nhất trên quy mô toàn tỉnh….
 
Năm 2019, theo đánh giá chỉ số xếp hạng sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT index, Hải Dương xếp thứ 19/63 tỉnh thành, tăng 7 bậc so với 2018; Chỉ số ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử xếp thứ 18/63 tỉnh/thành phố, tăng 13 bậc.
Có thể thấy, việc ứng dụng CNTT của tỉnh Hải Dương trong quản lý, điều hành đã được triển khai và có những kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường làm việc và hiện đại hóa nền hành chính. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong thời gian qua vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; các ứng dụng chuyên ngành còn rời rạc, manh mún; thông tin, dữ liệu còn trùng lặp, không thống nhất, đồng bộ do triển khai ứng dụng qua nhiều giai đoạn; dẫn đến tình trạng cát cứ dữ liệu, không chia sẻ, dùng chung trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Ứng dụng phục vụ người dân còn tương đối nghèo nàn, hiệu quả chưa cao.
 
Trước bối cảnh và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi việc xây dựng và phát triển hạ tầng, dịch vụ CNTT, CQĐT phải đáp ứng được các yêu cầu cao hơn trong thời gian tới.
 
Dự báo xu hướng phát triển của Công nghệ trong 10 năm tới sẽ thay đổi lớn hơn trong 250 năm qua, dữ liệu sẽ là tài sản mới, được coi là “dầu mỏ” cho sự phát triển. Sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), di động 5G... để đẩy nhanh số hoá, giúp người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào quá trình ra quyết định của các cấp ủy Đảng, Chính quyền vào chỉ đạo, điều hành, quản trị xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi nhận thức cũng như phương thức điều hành, làm việc, trong đó việc ứng dụng CNTT là rất quan trọng... do đó, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới!
 
Trước bối cảnh và xu hướng đó, chúng ta cần ứng dụng mạnh mẽ, tạo sự đột phá về giải pháp, công nghệ mới, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, trong đó Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ CNTT, CQĐT là một trong 3 công trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, người dân trên môi trường mạng.
 
Mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu cơ bản xây dựng thành công nền tảng CQĐT của tỉnh; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển CQĐT gắn kết với đô thị thông minh, hướng tới xây dựng Chính quyền số và nền kinh tế số, thích ứng với đà phát triển của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư theo định hướng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.
 
Ngành Thông tin và Truyền thông xin đề xuất các mục tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như sau:
 
- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền số của tỉnh phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ số;
 
- Tập trung triển khai Kiến trúc Chính quyền diện tử 2.0 cũng như Kiến trúc đô thị thông minh của tỉnh; xây dựng và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030:
 
+ CNTT phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Chuyển từ “một cửa” cố định sang “một cửa” bất kỳ, tức là có thể tiếp nhận hồ sơ, công việc và xử lý ở bất cứ đâu trên môi trường mạng.
 
+ Cung cấp dịch vụ công cho người dân nhanh hơn, tiện ích hơn, chi phí thấp hơn qua hình thức trực tuyến;
 
+ Hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống CNTT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin từ cấp tỉnh tới cơ sở; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
 
- Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng thành nền tảng số phục vụ Chính phủ điện tử, khai thác vận hành các hạ tầng và nền tảng dùng chung.
 
- Xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành thông minh tỉnh Hải Dương. Đây là trung tâm thực hiện giám sát, điều hành tất cả các lĩnh vực như: y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh... phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền của tỉnh và cung cấp các dịch vụ CQĐT cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
 
- Xây dựng nền tảng ứng dụng Smart-Hải Dương cài đặt trên smartphone để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ CQĐT của tỉnh. Phấn đấu mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao theo định hướng của Bộ Thông tin Truyền thông.
 
- Tăng cường hạ tầng CNTT, thực hiện bảo vệ an toàn thông tin 4 lớp của các cơ quan chính quyền theo quy định.
 
Được vinh dự tham luận tại Đại hội, Sở Thông tin và Truyền thông kính mong trong chặng đường tới, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển CQĐT, sẽ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo đặc biệt của các cấp, các ngành cũng như nhân dân toàn tỉnh; chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư một các cụ thể và hiệu quả nhất góp phần thực hiện cải cách hành chính, xây dựng thành công CQĐT và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương trong thời gian tới./.
 
 
 
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(22/10/2020)
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở(22/10/2020)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế(22/10/2020)
Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng các mô hình và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương(22/10/2020)
na
Những kinh nghiệm rút ra qua nhiệm kỳ 2015-2020: Bài cuối: Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra là kinh nghiệm quý sẽ tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới.
na
na
na
na
na
Liên kết website