na
Tham luận tại đại hội
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở

Tham luận của đồng chí Cao Ngọc Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh thanh tra tỉnh

Được sự cho phép của đoàn Chủ tich đại hội, Thanh tra tỉnh Hải Dương xin tham luận tại Đại hội về chủ đề “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở”.
 
Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thanh tra Chính phủ và trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh, với vai trò trách nhiệm là cơ quan trực tiếp tham mưu cho cấp ủy và thủ trưởng cơ quan cùng cấp về quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt vai trò trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thiết lập kỷ cương, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
1. Về công tác thanh tra: Thanh tra tỉnh đã đổi mới tư duy về công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, chủ trì điều phối kế hoạch thanh tra giữa các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố để tránh sự chồng chéo, dàn trải trong hoạt động thanh tra. Đổi mới trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch thanh tra, gắn hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Thanh tra Hải Dương triển khai thực hiện 2.772 cuộc thanh tra, kiểm tra (989 cuộc thanh tra hành chính và 1.783 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành). Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 265 tỷ 719 triệu đồng và 15.313m2 đất (trong đó: Kiến nghị thu hồi 96 tỷ 238 triệu đồng và 3.725m2 đất; kiến nghị giảm giá trị quyết toán 119 tỷ 871 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 49 tỷ 610 triệu đồng và 11.588m2 đất); kiến nghị xử lý kỷ luật 07 tập thể và 39 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 01 vụ việc (01 đối tượng); xử phạt vi phạm hành chính 26 tỷ 277 triệu đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác QLNN của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, ý thức trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các DN. Các tổ chức được thanh tra.
 
2.Về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có bước chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành đã quan tâm, coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài góp phần ổn định chính tri, trật tự an toàn xã hội qua đó tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội. Thông qua việc nắm chắc tình hình, xác định rõ nguyên nhân việc phát sinh khiếu kiện của công dân. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thực sự vào cuộc, chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị- xã hội và phát động quần chúng nhân dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở các khiếu kiện của công dân, nhất là khiếu kiện phức tạp, đông người. Trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết và chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã được nâng cao hơn; kết luận, giải quyết các nội dung khiếu nại, tố cáo rõ ràng, có tính khả thi, thuyết phục. Do đó đã hạn chế đơn thư khiếu tố vượt cấp, ít phát sinh những vụ việc phức tạp và không xảy ra điểm nóng trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2016 đến năm 2020, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 22.355 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (khiếu nại 2.663 đơn; tố cáo 4.177 đơn; kiến nghị, phản ánh 15.515 đơn). Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 1333/1522 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 87,6% (khiếu nại 569/659 vụ việc; tố cáo 764/863 vụ việc).
 
Trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp. Thanh tra tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người có tính chất phức tạp như: Vụ việc ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành; vụ việc ở xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng; vụ việc ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng; vụ việc ở xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ; vụ việc ở xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà...đến nay đã cơ bản ổn định.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
 
- Về công tác thanh tra:
 
Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, địa phương còn hạn chế trong việc phát hiện các vi phạm để tiến hành thanh tra đột xuất. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian so với quy định, chất lượng chưa cao. Các kết luận thanh tra nhìn chung chủ yếu tập trung vào xử lý vi phạm về kinh tế, chưa chú trọng đến việc kiến nghị sửa đổi những bất cập của cơ chế, chính sách. Việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra đã có nhiều chuyển biến tích cực, song tỷ lệ đạt được chưa cao.
 
- Về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư: 
 
Công tác tiếp công dân ở một số nơi nhất là cấp cơ sở trong tỉnh chưa được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc xử lý đơn thư, xác định nội dung và thẩm quyền giải quyết của cán bộ một số nơi nhất là cấp huyện, cấp xã còn yếu.
 
- Về công tác giải quyết KN,TC:
 
+ Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo giải quyết KNTC; có vụ việc đã được thẩm tra, xác minh có kết quả nhưng chậm ban hành quyết định, kết luận và văn bản giải quyết theo quy định; một số vụ việc giải quyết chưa đúng nội dung, thẩm quyền, vi phạm về thời gian; chậm tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, dẫn đến công dân tiếp tục gửi đơn lên cấp trên với thái độ bức xúc, hoặc quay sang tố cáo người có trách nhiệm giải quyết cố tình bao che, không chấp hành thực hiện các quy định của luật khiếu nại, tố cáo.
+ Chất lượng thẩm tra xác minh, thu thập chứng cứ, đề xuất biện pháp giải quyết với cấp có thẩm quyền có việc còn hạn chế, căn cứ pháp lý chưa đầy đủ, chính xác theo nội dung công dân KNTC dẫn đến phải xác minh bổ sung làm cho việc giải quyết bị kéo dài.
+ Chế độ thông tin, báo cáo tổng hợp về tình hình KNTC, kết quả tiếp công dân, giải quyết KNTC công dân nhất là từ cấp cơ sở lên cấp huyện chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác do vậy ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết KNTC của các cấp, các ngành.
 
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:
 
- Về khách quan:
 
+ Về cơ chế chính sách: cho đến nay, các quy định của pháp luật đã cơ bản được ban hành và đi vào cuộc sống góp phần ổn định chính trị, ổn định xã hội được nhân dân đồng tình ủng hộ và tuân thủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những bất cập, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc có chồng chéo mâu thuẫn nên khi giải quyết không đủ cơ sở pháp lý chắc chắn hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật, cần được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp trong đó đặc biệt là Luật Đất đai và nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai (Vì 70% các đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai).
+ Quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền "kiến nghị" nên tính hiệu quả thường không cao. Việc áp dụng các biện pháp đối với tổ chức, đơn vị cố tình không chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra chưa đủ sức răn đe; chế tài xử lý đối với đối tượng thanh tra trong trường hợp không chấp hành kết luận, kiến nghị quyết định xử lý sau thanh tra chưa đủ mạnh.
+ Nhiều vụ việc khiếu kiện có nội dung phức tạp, đan xen giữa khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh thời gian phát sinh từ lâu, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ hoặc bị thất lạc, gây khó khăn trong quá trình thẩm tra xác minh, giải quyết dẫn đến chậm thời gian so với quy định.
+ Một số vụ việc giải quyết, xử lý có căn cứ pháp luật, tuy nhiên khi tổ chức thực hiện lại thiếu tính khả thi; dẫn đến làm giảm hiệu lực hiệu quả giải quyết của cơ quan nhà nước, gây nghi ngờ bức xúc cho người khiếu kiện.
 
- Về chủ quan:
 
+ Lãnh đạo của một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những công việc khó khăn, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm nhiều nơi cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có cán bộ công chức còn lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm
+ Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi chưa nghiêm, như một số vụ việc cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo hoặc ban hành quyết định giải quyết nhưng cấp dưới thực hiện chậm trễ hoặc thực hiện không nghiêm túc.
+ Một bộ phận nhân dân do nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nên có những đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định của pháp luật. Một số hộ dân cố tình không chấp hành mặc dù vụ việc đã được xem xét giải quyết nhiều lần với nhiều biện pháp đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn chưa chấp nhận kết quả giải quyết; có những phản ứng tiêu cực, kích động người khác đi khiếu kiện kéo dài.
+ Ngoài ra vì lợi ích riêng, một số luật sư hoặc VP luật sư khi tư vấn hoặc được ủy quyền giải quyết khiếu nại đã không nghiên cứu hồ sơ, có vụ việc biết không đạt kết quả nhưng vẫn nhận làm.
 
Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Báo cáo chính trị đã đề ra cho công tác thanh tra giai đoạn 2020-2025, Thanh tra tỉnh đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở như sau:
 
1. Về cơ chế chính sách: Các bộ, ngành TƯ sớm trình Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh, bổ sung các điều khoản còn bất cập, chồng chéo của các luật tiếp công dân, Luật Khiếu nại, tố cáo qua thực tiễn áp dụng, nhất là Luật Đất đai (Về thu hồi đất, tái định cư, bồi thường GPMB…) và các nghị định thi hành.
 
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngăn ngừa việc phát sinh KN,TC và giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở.
 
3. Thống nhất xây dựng nội dung kế hoạch thanh tra theo chiều sâu, điều phối sự chồng chéo, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra theo kế hoạch; tăng cường nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện vi phạm để tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất. Tích cực theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.
 
4. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo phải xác minh làm rõ đúng sai, các kết luận và quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thấu tình đạt lý, có tính khả thi và được các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc thực hiện, không để kéo dài làm giảm hiệu lực giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Tập trung giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người; giải quyết dứt điểm từng nội dung, tránh áp đặt, kết luận vội vàng theo lối suy diễn, chủ quan, tạo kẽ hở cho người khiếu kiện lấy cớ để tái khiếu kiện lên cấp trên.
 
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bố trí kinh phí để thực hiện tuyên truyền pháp luật và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên nhằm không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
6. Các VP luật sư, cá nhân các luật sư cần khách quan trong việc tư vấn, giúp đỡ người khiếu nại, tố cáo thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.
 
7. Đối với nhân dân: tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật giúp người dân nắm được các quy định chính sách pháp luật của Nhà nước. Đối với các hộ dân cố tình chống đối, lợi dụng dân chủ để dẫn đầu, xúi giục việc khiếu nại các vụ việc đã được các cơ quan giải quyết thấu tình đạt lý thì kiên quyết xử lý và phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo không giải quyết.
Các tin mới hơn
Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0(22/10/2020)
Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(22/10/2020)
Các tin cũ hơn
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế(22/10/2020)
Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng các mô hình và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương(22/10/2020)
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, góp phần tích cực cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới(22/10/2020)
na
Những kinh nghiệm rút ra qua nhiệm kỳ 2015-2020: Bài cuối: Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra là kinh nghiệm quý sẽ tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới.
na
na
na
na
na
Liên kết website