na
Tham luận tại đại hội
Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng các mô hình và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

Tham luận của đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương

Về dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch Đại hội, trước hết tôi bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 do Đoàn Chủ tịch trình bày.
 
Để làm rõ thêm những nhận định, đánh giá và nhất là những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, tôi xin phát biểu tham luận với nội dung “Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng các mô hình và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
 
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, trong đó có nhận định: “Nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội ở một số nơi có mặt còn chậm đổi mới so với yêu cầu, nhiệm vụ; chưa thật sự gắn bó và đáp ứng yêu cầu chính đáng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”. Vậy làm thế nào để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, tạo dấu ấn xã hội, sức hút, niềm tin đối với hội viên, nông dân và củng cố uy tín, vị thế của tổ chức Hội? Đó chính là những băn khoăn, trăn trở của mỗi cán bộ Hội và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh.
 
Với quyết tâm đổi mới tư duy, quyết liệt, đột phá trong hành động, khẳng định vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội xác định tham gia xây dựng các mô hình và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động.
 
Trong quá trình xây dựng mô hình, các cấp Hội trong tỉnh có những thuận lợi cơ bản, đó là được sự chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ kinh phí của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành, đoàn thể, các Ngân hàng và doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, có không ít những khó khăn như: nguồn kinh phí rất hạn hẹp; đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực xã hội và kỹ thuật còn thiếu và yếu; một số mô hình có tính mới chưa thu hút được nông dân tham gia; quy mô sản xuất của hầu hết nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún, nguồn lực yếu, trình độ sản xuất thấp; còn thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; năng lực của một số cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Với quyết tâm khắc phục khó khăn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội khai thác mọi nguồn lực, phát huy nội lực của nông dân để xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
 
Kết quả 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ trì xây dựng được 418 mô hình tổ, nhóm, hợp tác xã liên kết sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị, 122 mô hình “Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”, 359 mô hình “Chi Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp”, 60 mô hình “Truyền thông lồng ghép giảm thiểu bạo lực gia đình”, 84 mô hình “Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật”, 12 mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn và hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS”,… với tổng số trên 60.000 hội viên, nông dân tham gia.
 
Trong số các mô hình kể trên, hiệu quả nổi bật nhất là các mô hình về xây dựng tổ chức Hội gắn với phát triển kinh tế. Điển hình như các mô hình Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp- Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ: Cà chua VietGAP xã Nhân Huệ (TP Chí Linh), Cam VietGAP xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện), Ổi VietGAP xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà); Gạo Bắc Thơm số 7 an toàn các xã: Long Xuyên (huyện Bình Giang), Lê Hồng (huyện Thanh Miện); Na an toàn phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh), Rau an toàn các xã: Lê Lợi, Phạm Trấn, Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ)… Các mô hình này được hỗ trợ về kỹ thuật nên đã có giá thành cạnh tranh tốt, năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao, đặc biệt sản phẩm khi đưa ra thị trường có bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc; bước đầu đã có một số sản phẩm (ổi, cam, cà chua) được các siêu thị, doanh nghiệp như: Siêu thị Vinmart, Công ty Green Farm Mộc Châu, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Xuyên Việt,…tiếp cận tiêu thụ với giá bán có lợi hơn cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10-15%.
Cùng với việc xây dựng các mô hình mẫu để người dân tham gia, thấy được hiệu quả và tự nguyện nhân rộng; các cấp Hội tập trung tuyên truyền vận động nông dân tham gia và hưởng lợi từ các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh như: Hỗ trợ vốn đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030”… Đồng thời, đề ra phương châm phát huy tối đa năng lực của các cấp Hội, hỗ trợ nông dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc lớn xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. 5 năm qua, Hội đã tham mưu đề xuất và trực tiếp triển khai nhiều đề án, dự án đạt hiệu quả, tiêu biểu như: Đề án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, các dự án sản xuất gà Ri lai Lương Phượng, gà Mía lai Sasso thương phẩm, đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình… Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn vốn với dư nợ hiện tại là 2.411 tỷ đồng; xây dựng và khai thác nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với tổng dư nợ gần 80 tỷ đồng cho 154.110 lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất; chủ trì và phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức được 301 lớp dạy nghề, 8.011 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 617.112 lao động nông thôn, Hội đã trực tiếp cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 5.012 lao động nông thôn, cung ứng phân bón trả chậm được 30.012 tấn để kịp thời phục vụ sản xuất.
 
Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp xây dựng, quản lý 15 nhãn hiệu tập thể, tiêu biểu như: Sắn dây, Hành, Tỏi Kinh Môn; Củ đậu Kim Thành; Rươi, Cáy Tứ Kỳ...; tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm chất lượng cao tại các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, phòng chống đại dịch Covid-19; tổ chức thăm hỏi và tặng 11.041 suất quà, vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng 77 ngôi nhà “Mái ấm nông dân” cho các hộ nông dân nghèo, tổng trị giá gần 5 tỷ đồng.
 
Kết quả xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội của Hội Nông dân các cấp đã góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, nhất là góp phần tích cực phát triển kinh tế gia trại, trang trại, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng nông thôn mới.
 
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song kết quả một số mô hình do Hội xây dựng còn có những hạn chế, nhất là về liên kết tiêu thụ sản phẩm, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm…
 
Từ những thành công bước đầu trong tham gia xây dựng mô hình và hoạt động hỗ trợ nông dân, xin rút ra một số kinh nghiệm như sau:
 
- Cần nắm chắc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nắm chắc tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nông dân, phát hiện các yêu cầu từ thực tiễn đặt ra để nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án hỗ trợ nông dân, trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt.
- Tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ Hội; khai thác tối đa mọi nguồn lực để xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân; phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với bình xét thi đua hàng năm.
- Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của nông dân trong tham gia xây dựng các mô hình, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới… từ đó vận động nông dân phát huy nội lực, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và của tổ chức Hội các cấp, động viên nông dân đoàn kết chung sức xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
 
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị gia tăng nông sản hàng hóa; tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Tổ hợp tác/Hợp tác xã liên kết sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị”, “Hội Nông dân xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”,... góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
 
Để phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thay mặt các cấp Hội và giai cấp nông dân trong tỉnh, tôi xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
 
1. Đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 61 và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
2. Hằng năm, cần giao nhiệm vụ kèm nguồn kinh phí đối với Hội Nông dân tỉnh và mỗi đơn vị Hội Nông dân cấp huyện để Hội trực tiếp triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
3. Tiếp tục hỗ trợ ngân sách để bổ sung nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất đồng thời thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người công dân tại địa phương.
4. Quan tâm dành nguồn kinh phí lớn hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
5. Có cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Các tin mới hơn
Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0(22/10/2020)
Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(22/10/2020)
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở(22/10/2020)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế(22/10/2020)
Các tin cũ hơn
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, góp phần tích cực cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới(22/10/2020)
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025(22/10/2020)
Phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng thành phố Chí Linh trở thành đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao, xứng đáng là một trung tâm động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới.(22/10/2020)
Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và phát triển đảng viên mới(22/10/2020)
na
Những kinh nghiệm rút ra qua nhiệm kỳ 2015-2020: Bài cuối: Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra là kinh nghiệm quý sẽ tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới.
na
na
na
na
na
Liên kết website