Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 xây dựng và trình tại Đại hội.
Các văn kiện đã đề cập những vấn đề cơ bản liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, của công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường. Đây là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác và tác động trực tiếp đến điều kiện sống, môi trường sống của mọi cộng đồng dân cư và từng gia đình, cá nhân trong xã hội.
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết về lĩnh vực này, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Nghị quyết số 82/2019/QH14, ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, …
Tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, Đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020”, Dự án “Điều tra, lập danh bạ giếng khoan phải xử lý phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước”..., chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối 2016-2020 làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã:
- Luôn quan tâm, bám sát 06 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; tham mưu làm tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đã thành lập bản đồ địa chính tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện đo đạc diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường để tăng cường quản lý theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13, ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 55/2019/QĐ-UBND, ngày 20/12/2019 quy định bảng giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 và tập trung hướng dẫn, thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, trong 05 năm qua đã giao đất, cho thuê đất 404 dự án, diện tích 1.420 ha; tập trung làm tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận (GCN) đất ở lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân và tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về cấp GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn ô đổi thửa, cấp GCN cho 885/1.130 tổ chức tôn giáo sử dụng đất.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường của toàn thể cộng đồng, toàn tỉnh có 1.135 tổ, đội, 07 Công ty, 09 hợp tác xã thu gom rác thải, 835 bãi chôn lấp chất thải rắn, trong đó có 179 bãi hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng và đang từng bước tìm kiếm các mô hình xử lý bền vững hơn, 100% các doanh nghiệp đầu tư mới đều có thủ tục bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải trước khi đi vào hoạt động; 10/10 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành ổn định, 26 doanh nghiệp, khu công nghiệp đã có hệ thống quan trắc tự động, thường xuyên truyền tải dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và kết nối với trạm tiếp nhận miền Bắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chấm dứt tình trạng ô nhiễm từ hoạt động của các lò gạch thủ công và đang tiếp tục phối hợp tham mưu UBND tỉnh phương án di dời một số nhà máy, doanh nghiệp ra khỏi đô thị; đẩy mạnh phong trào chống rác thải nhựa, phối hợp Đài Truyền hình tỉnh phát định kỳ hàng tháng chuyên mục “Môi trường và cuộc sống”.
- Chấm dứt tình trạng khai thác than trái phép; tham mưu kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về phòng, chống và xử lý khai thác cát trái phép; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đang tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định đối với những trường hợp có vi phạm hoặc Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật tài nguyên nước; tổ chức thực hiện Dự án “Điều tra, lập danh bạ giếng khoan phải xử lý phòng tránh nhiễm bẩn nguồn nước”; thực hiện nhiều hoạt động trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và các hoạt động hưởng ứng ngày Đất ngập nước, ngày Nước Thế giới, ngày Khí tượng Thế giới, Giờ Trái đất hàng năm; xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Đánh giá khí hậu tỉnh Hải Dương.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết đơn thư trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường; công khai, vận hành tốt đường dây nóng tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh vi phạm về đất đai, tài nguyên, môi trường; trong nhiệm kỳ đã tiếp nhận, xử lý 103 thông tin qua đường dây nóng, xử phạt vi phạm hành chính 153 tổ chức, cá nhân với số tiền 13.197,94 triệu đồng, kiến nghị thu hồi diện tích đất 224.897m2 đối với 10 doanh nghiệp vi phạm.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như:
- Chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường vẫn chưa thực sự hoàn thiện, còn xung đột với một số quy định của ngành luật khác (như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở,...), còn chồng chéo, chưa dự liệu hết các quan hệ phát sinh trên thực tế...
- Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hiện tượng lập chưa sát thực tế làm cho kết quả thực hiện không cao; chưa thành lập được quỹ phát triển đất; công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, các dự án có vi phạm đất đai đạt kết quả chưa cao; chưa tham mưu được việc tính thu tiền ứng với thời gian dự án được gia hạn theo quy định của Luật Đất đai.
- Còn nhiều khó khăn trong xử lý chất thải rắn thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, trong thu hút nhà đầu tư, công nghệ mới về xử lý chất thải, nhất là chất thải nông thôn.
- Vẫn còn (dù không nhiều) tình trạng khai thác trái phép đất sét, đất bãi bồi, cát lòng sông; chưa đẩy mạnh được việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chưa lập được bản đồ khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
- Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường còn hạn chế do lực lượng chưa tương xứng.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ sự hạn chế, yếu kém về năng lực, chuyên môn, đạo đức của một bộ phận cán bộ, chuyên viên ngành tài nguyên, môi trường; từ sự chưa vào cuộc quyết liệt, tư tưởng né tránh, ngại va chạm, chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền của một số cấp ủy, chính quyền địa phương; từ nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế của một bộ phận người dân, doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thêm một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường chất lượng xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu; đẩy mạnh việc thẩm định dự án, giao đất, cho thuê đất thực hiện các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh và kiên quyết xử lý các dự án, nhà đầu tư vi phạm pháp luật đất đai; tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịp thời các quy định về giá đất nhằm phát huy các nguồn lực từ đất, phát huy công cụ quản lý tài chính về đất, đồng thời góp phần giảm đơn thư khiếu kiện, giảm ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng, thu hút dự án đầu tư; kiểm soát tốt việc chuyển mục đích sử dụng một số loại đất rừng, đất trồng lúa … bảo đảm đúng chỉ tiêu được Trung ương phân bổ, bảo đảm an ninh lương thực và từng bước hình thành các khu nông nghiệp chuyên sâu, chất lượng cao, gắn phát triển với bảo tồn các di tích, danh lam thắng cảnh.
Hai là, đẩy mạnh công tác rà soát, khoanh vùng và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đẩy mạnh kiểm soát về công suất, khối lượng khoáng sản khai thác, tức là đẩy mạnh kiểm soát thông qua công cụ tài chính theo định hướng chung của Bộ Chính trị; đồng thời kiên quyết không gia hạn hoặc cấp mới, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho các chủ giấy phép có nhiều vi phạm hoặc quá 12 tháng kể từ khi được cấp giấy phép mà không thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo, không triển khai khai thác, có như vậy mới bảo vệ được khoáng sản, tránh tình trạng “giữ chỗ” như hiện nay.
Ba là, kiên quyết không chấp thuận các dự án không thân thiện với môi trường, công nghệ lạc hậu, các dự án chiếm đất nhiều nhưng không hiệu quả; tiếp tục xây dựng cơ chế nhằm thu hút xã hội hóa các dự án xử lý chất thải công nghệ tiên tiến để xử lý hiệu quả vấn nạn chất thải hiện nay, nhất là đối với chất thải nông thôn; tập trung xử lý thoát nước đô thị, bảo vệ nguồn nước các dòng sông, ao hồ, kênh mương trên địa bàn; đẩy mạnh việc lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc tự động tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp theo quy định, tiến tới lắp đặt, vận hành đủ các màn hình tại cổng doanh nghiệp để công khai kết quả quan trắc, phát huy sức mạnh giám sát cộng đồng về môi trường.
Bốn là, tiếp tục rà soát, minh bạch hóa các thủ tục hành chính về đất đai, tài nguyên, môi trường theo hướng cải cách đơn giản, ngắn gọn; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, các cơ sở dữ liệu khác về tài nguyên, môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm xử lý, giải quyết đơn thư nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật, tạo hiệu ứng tốt cho công tác quản lý và tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, các giải pháp công khai, minh bạch thông tin quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đẩy mạnh hoạt động của các đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm tài nguyên môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp huyện, xã; tăng cường các giải pháp phối hợp Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị, xã hội khác để đổi mới các hoạt động tuyên truyền, huy động sự tham gia bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên của toàn xã hội..
Trên đây là một số ý kiến tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với chủ đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Xin trân trọng cảm ơn Đại hội đã lắng nghe! Xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa! Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!