Được sự giới thiệu của Đoàn chủ tịch Đại hội, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, tôi vinh dự được đại diện trình bày báo cáo tham luận của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Đại hội.
Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI trình Đại hội cũng như phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ tới (2020-2025). Tại Đại hội trọng thể này, tôi xin trình bày báo cáo tham luận với chủ đề: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong tiến trình phát triển của đất nước, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa xã hội Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 04/04/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều sự đổi mới, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có những chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành được cải thiện.
Giai đoạn 2016 - 2020, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tỉnh ta đã phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thanh tra, tư pháp ... Bao gồm những bước tiến trong việc xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau từ đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện các công tác thanh tra, tư pháp, tiếp công dân... Trong nhiệm kỳ qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đi vào thực tế cuộc sống, gắn liền với đời sống nhân dân và quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tuân thủ chấp hành. Để xây dựng được các quy phạm pháp luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tổ chức thi hành một cách hiệu quả như vậy, phải kể đến sự quan tâm lãnh đạo, định hướng đúng đắn, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, sự chủ động trong công tác tham gia xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương vẫn còn hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian sắp tới. Một số văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định của văn bản cấp trên. Một số văn bản quy định chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật, gây vướng mắc trong quá trình thực thi văn bản. Một số văn bản mặc dù được ban hành nhưng chưa đảm bảo tính kịp thời, chậm so với yêu cầu thực tế đặt ra. Việc tổ chức thi hành pháp luật đôi khi chưa thực sự đạt hiệu quả.
Những hạn chế nói trên xuất phát từ một số nguyên nhân như:
- Công tác tham vấn, lấy ý kiến góp ý, tiếp thu, giải trình trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, đôi khi mang tính hình thức.
- Việc góp ý xây dựng pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân còn mang tính thụ động; khi văn bản đã được ban hành, trong quá trình thực thi có vướng mắc mới góp ý phản hồi, mà không chủ động nghiên cứu, góp ý dự thảo liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công tác, nhiệm vụ, quyền lợi trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mới chỉ được chú trọng triển khai sau khi văn bản được ban hành và có hiệu lực, chưa thực sự đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn xây dựng dự thảo để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản hồi và định hướng dư luận khi cần thiết.
Từ những hạn chế và nguyên nhân nêu trên, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
2. Chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Lựa chọn giới thiệu ứng cử các đại biểu có tâm, có tầm, đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri địa phương. Tiến hành bầu cử theo đúng nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Tăng tỷ lệ các đại biểu hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước.
3. Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành… Trong đó đề cao vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc đưa tiếng nói, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri địa phương về xây dựng Luật tại các phiên họp của Quốc hội; củng cố, nâng cao vai trò của các ngành địa phương trong việc tham gia góp ý, xây dựng vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động, quản lý của ngành.
4. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời và chất lượng. Đề cao vai trò của Sở Tư pháp trong việc thẩm định dự thảo, kiểm soát ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
5. Nghiêm túc triển khai và nâng cao chất lượng công tác lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản, thực hiện việc lấy ý kiến tham vấn, góp ý các dự thảo văn bản rộng rãi và chất lượng, lựa chọn đúng đối tượng để lấy ý kiến, đặc biệt chú trọng đến những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản. Tận dụng tính ưu việt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản.
6. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức, không chỉ khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hay có hiệu lực thi hành mà cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và định hướng dư luận ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách và dự thảo các quy định cụ thể để nhân dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, nắm bắt và hiểu rõ bản chất của các quy định mới dự kiến ban hành, đồng thời phản hồi, góp ý trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để các văn bản quy phạm ban hành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan: giữa Sở Tư pháp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến các dự thảo Luật, pháp lệnh do Quốc hội ban hành, giữa Sở Tư pháp với Hội đồng nhân dân đối với các dự thảo nghị quyết do Hội đồng nhân dân ban hành, giữa Sở Tư pháp với các Sở, ban, ngành chuyên môn đối với các dự thảo quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn đặc thù.
7. Tăng cường hoạt động rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp và hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, thường xuyên theo dõi việc ban hành quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp để rà soát, phát hiện và kịp thời yêu cầu cơ quan đã ban hành văn bản xem xét, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần đối với các văn bản có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp (nếu có). Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành cũng cần chủ động và tăng cường việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản trực tiếp liên quan đến ngành, lĩnh vực nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp do địa phương ban hành.
8. Phát huy tính dân chủ và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tập trung phản biện xã hội vào các chương trình, đề án, dự thảo quy định có liên quan trực tiếp đến nhân dân địa phương. Khẳng định vai trò của công tác phản biện xã hội - kiểm soát quyền lực nhà nước trước khi các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện (thông qua việc ban hành văn bản và văn bản có hiệu lực thi hành), đảm bảo đầu ra của văn bản, kế hoạch, quy hoạch phù hợp với cuộc sống, được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ.
9. Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức triển khai thi hành pháp luật để đảm bảo hiện thực hoá các chính sách, quy định đã được ban hành. Trong đó, đề cao vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Cuối cùng, tôi xin kính chúc các đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!