Trước hết, tôi bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo báo cáo chính trị trình trước Đại hội và các ý kiến thảo luận tại Đại hội. Được phép của đoàn Chủ tịch Đại hội, tôi xin phát biểu tham luận vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với Chủ đề: “Xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn kết với nền an ninh nhân dân (ANND), thế trận lòng dân gắn với thế trận QPTD, thế trận ANND”.
Xuất phát từ vị trí, vai trò hết sức quan trọng của công tác quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của Đảng, của dân tộc, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định mục tiêu trọng yếu trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Để cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm trên, những năm qua, Ðảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, văn bản về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-KL/TW, ngày 16/4/2018 về Chiến lược quân sự Việt Nam... Việc ban hành nghị quyết, kết luận, chỉ thị, văn bản về lĩnh vực quốc phòng - an ninh nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đây là bước tiến quan trọng, nhằm thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cũng là căn cứ để chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng xây dựng vững chắc thế trận QPTD gắn với thế trận ANND; xây dựng thế trận lòng dân, khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc.
5 năm qua, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; sự cạnh tranh, xung đột giữa các quốc gia, khu vực diễn ra gay gắt. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn phức tạp; bên cạnh đó sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ngày càng tinh vi, nham hiểm, trực diện hơn. Với phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Đảng, Nhà nước đã chủ động đánh giá, dự báo chính xác, xử lý đúng, kịp thời các tình huống không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc. Các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội đã tổ chức quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, triển khai chiến lược quốc phòng dưới sự lãnh đạo của Ðảng và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Về định hướng, mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Phần X, trang 49, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và củng cố vững chắc nền QPTD gắn kết với nền ANND, thế trận lòng dân gắn với thế trận QPTD, thế trận ANND”. Để thực hiện tốt định hướng, mục tiêu trên, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nhất quán nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh”. Đây là nguyên tắc cơ bản, quy định chức năng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, từ việc xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện đ¬ường lối, chủ trương chiến l¬ược về quốc phòng, an ninh đến xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược của quốc gia. Vì vậy, cần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có hệ thống, đồng bộ, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương.
Cần xác định rõ, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Đây là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Hai là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc phòng.
Quản lý nhà nước về quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm tới, đất nước ta sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nền kinh tế phát triển nhanh khiến cấu trúc xã hội không ngừng thay đổi và hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới; nhiệm vụ quốc phòng đặt ra với yêu cầu ngày càng cao, lực lượng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc rất đa dạng. Do đó, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, như: Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 21/2019/NÐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ; Luật Quốc phòng, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên... Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về quốc phòng, bảo đảm các hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đúng phương hướng chính trị của đất nước, theo tư duy, nhận thức mới của Ðảng, đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và đạt hiệu quả thiết thực.
Điều đó đòi hỏi quản lý nhà nước về quốc phòng phải khoa học, đồng bộ và có tính pháp lý rất cao. Do vậy, phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có chiều sâu các cơ chế, quy chế, thông tư, văn bản, hướng dẫn, quy định dưới luật, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Ðảng trong thực tiễn; đồng thời, phải được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc trên từng địa bàn và trên toàn quốc trong mọi tình huống.
Ba là: Bám sát sự phát triển của nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.
Thực tiễn luôn vận động, phát triển, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều vấn đề mới, phức tạp chi phối, tác động đến nhận thức, tư duy lý luận, xây dựng thế trận, lực lượng.... Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật Quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh Quốc gia trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Ưu tiên tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng -an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về “đối tác” và “đối tượng” của cách mạng Việt Nam; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quan tâm chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, công an. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút nhân lực, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện nhất quán quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần cả xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, thống nhất làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương (QP-QSĐP); đặc biệt là công tác xây dựng nền QPTD gắn với nền ANND, thế trận lòng dân gắn với thế trận QPTD, thế trận ANND. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp không để bị động, bất ngờ, tạo môi trường thuận lợi để địa phương phát triển.
Trong thời gian tới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và tình hình trong nước; Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh sẽ chủ động hơn nữa, làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu và chủ trì phối hợp tổ chức thực hiện hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ QP-QSĐP, nhất là xây dựng và củng cố vững chắc nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.