na
Tham luận tại đại hội
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025

Tham luận của đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tài chính

Trước hết, tôi nhất trí cao với nội dung các báo cáo đã được trình bày tại Đại hội. Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, điều hành về lĩnh vực tài chính, ngân sách tại địa phương góp phần vào việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Được sự cho phép của Ban tổ chức Đại hội, tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.
 
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước. Cơ cấu ngân sách nhà nước được thể hiện ở các góc độ như: Quy mô ngân sách nhà nước; cơ cấu các thành phần thu, chi ngân sách theo các tiêu chí nhất định; tương quan thu – chi ngân sách và cơ cấu ngân sách theo phân cấp. Ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các khâu tài chính bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Hướng tới việc đảm bảo cơ cấu ngân sách bền vững, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế.
 
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững; Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đề ra các mục tiêu, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Ở tỉnh ta: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành tài chính và các ngành liên quan cũng đã xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, thường xuyên chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp. Vì vậy, cơ cấu ngân sách của tỉnh từng bước được đổi mới theo hướng bền vững, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước góp phần hỗ trợ tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
 
* Về cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước
 
Từ năm 2017, Hải Dương là tỉnh tự cân đối thu, chi ngân sách, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, vì vậy cần có sự quyết tâm lớn của tỉnh trong việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương. Quyết tâm đi đôi với hành động, hàng năm, công tác quản lý, điều hành ngân sách của tỉnh luôn được xác định trên tinh thần bám sát các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định tài chính hiện hành. Trong từng giai đoạn, từng năm, từng lộ trình phát triển và tình hình thực tiễn tại địa phương, tỉnh đều xây dựng, triển khai công tác điều hành ngân sách một cách khoa học và phù hợp, tính toán, cân đối cụ thể các nguồn thu, khoản thu, số thu hợp lý. Trong đó, đặc biệt tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện khai thác hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu thuế, thu hút các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, tiềm lực vốn lớn, thân thiện với môi trường để tạo lập các nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn có tính bền vững, tập trung chỉ đạo thu các loại thuế ngoài quốc doanh, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để thu hút, triển khai thực hiện các dự án đầu tư và đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất. Đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho các địa phương để tạo thế chủ động trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối, phấn đấu giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh, chống thất thu ngân sách.
 
Từ những giải pháp nêu trên, số thu nội địa không ngừng được tăng cao qua các năm, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, theo đúng định hướng phát triển của tỉnh, đó là tăng dần tỷ trọng từ các ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ở ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản. Thống kê tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Hải Dương ước đạt 85.471 tỷ đồng (tăng 13% so dự toán), tăng 36.049 tỷ đồng so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 63.826 tỷ đồng (tăng bình quân 11,6%/năm và bằng 2,0 lần so giai đoạn 2011-2015), chiếm 78% tổng thu ngân sách nhà nước và đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng Sông Hồng; Thu xuất khẩu đạt 17.083 tỷ đồng (bằng 2,5 lần so giai đoạn 2011-2015).
 
Tuy nhiên, cơ cấu thu ngân sách của tỉnh hiện còn chưa thực sự cân đối, chưa đảm bảo được tính ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Cụ thể:
 
- Cơ cấu thu ngân sách nhà nước phụ thuộc nhiều vào số thu ngân sách tại một số doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty cổ phần Thép Hoà Phát, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại…chiếm khoảng 40% thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, khi tình hình kinh tế thế giới, trong nước biến động hoặc các chính sách của Trung ương thay đổi sẽ tác động rất lớn đến số thu ngân sách của các doanh nghiệp này.
 
- Cơ cấu các khoản thu không thường xuyên (chủ yếu là tiền thu sử dụng đất, tiền bán tài sản…), chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nội địa (trung bình khoảng 20% trong giai đoạn 2016-2020). Trong tương lai gần, nguồn thu này sẽ giảm dần và ảnh hưởng đến sự bền vững của cơ cấu thu ngân sách nhà nước.
 
- Thu ngân sách đóng góp từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sụt giảm khá mạnh (từ 19% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 7% giai đoạn 2016-2020); thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh trong giai đoạn 2016-2020 chỉ chiếm tỷ trọng từ 16% đến 18% tổng thu ngân sách nhà nước.
 
* Về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước
 
Trong những năm qua, ngành Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm cơ cấu lại chi ngân sách như: thực hiện việc rà soát, sắp xếp, điều chuyển để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; tiến hành sắp xếp lại theo hướng giảm các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách tinh giản biên chế; sắp xếp, sáp nhập các xã, thôn, khu dân cư; xây dựng và ban hành danh mục, định mức, đơn giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước; tăng cường cổ phần hoá, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện thành doanh nghiệp, từng bước tăng dần các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí, giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác xây dựng dự toán, thực hiện nghiêm túc việc chi tiêu trong phạm vi dự toán được giao. Siết chặt kỷ cương, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý thu, chi ngân sách. Công khai, minh bạch trong phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước. Huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, thực hiện đa dạng các hình thức đầu tư, nhất là hợp tác công - tư (PPP). Trên cơ sở cơ cấu lại chi ngân sách, giảm chi thường xuyên, nguồn lực ngân sách được tăng cường, tỉnh đã chủ động cơ cấu sắp xếp lại các khoản chi ưu tiên dành nguồn lực để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Về cơ cấu chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh giảm dần: giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 80%, giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 72%, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 chiếm khoảng 65% đến 67%. Tỷ trọng chi đầu tư tăng dần: giai đoạn 2011 -2015 chiếm 17%, giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 25%, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 chiếm khoảng 30% đến 32%.
 
Tuy nhiên, cơ cấu chi ngân sách của tỉnh hiện còn chưa đảm bảo tính ổn định, cân đối và bền vững. Cụ thể:
 
- Cơ cấu chi thường xuyên còn nhiều bất cập: Chi lương, các khoản có tính chất lương và chi thực hiện chính sách an sinh xã hội còn chiếm tỷ lệ khá cao (trên 60%) tổng chi thường xuyên; Chi các lĩnh vực giáo dục và đào tạo khoảng 40% đến 41%; chi lĩnh vực y tế khoảng 10% tổng chi thường xuyên;
- Tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, không đạt theo tiến độ dự toán dẫn tới chuyển nguồn lớn; đầu tư còn phân tán, dàn trải, kéo dài vẫn còn diễn ra.
 
* Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách của tỉnh giai đoạn 2021 -2025 cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau đây:
 
Thứ nhất, tạo môi trường và động lực phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thúc đẩy tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu nội địa ổn định bền vững và lâu dài. Chú trọng thu hút đầu tư từ các quốc gia có nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, các công ty, tập đoàn lớn trong nước. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai, cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, khắc phục những tồn tại, bất cập trong cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước như đã nêu ở trên.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách theo quy định của pháp luật, trong đó giữ nghiêm kỷ luật thu ngân sách có vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, tạo thống nhất và hành động về chấp hành nghĩa vụ người nộp thuế. Cải tiến công tác lập, giao dự toán thu ngân sách đảm bảo sát hợp với thực tế phát sinh từng cấp ngân sách, từng lĩnh vực thu. Rà soát khắc phục tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp, trốn, lậu thuế, nợ đọng thuế lớn. Kiên quyết và điều hành chi ngân sách được Quốc hội, HĐND các cấp thông qua. Tuyệt đối không chi ngoài dự toán, trừ những trường hợp phát sinh, cấp bách, cần phải chi đảm bảo đời sống của nhân dân. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi ngân sách, đặc biệt trong chi thường xuyên. Kiến nghị với Trung ương và tỉnh không ban hành các chính sách khi không chuẩn bị và đảm bảo được nguồn ngân sách.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho đầu tư phát triển góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, công trình trọng điểm có tác động kích thích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngân sách cần tập trung vào các nhiệm vụ thiết yếu, còn lại khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vốn thực hiện các nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý thu, chi ngân sách; kiện toàn bộ máy và nhân sự, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức công vụ của cán bộ, công chức làm công tác tài chính, ngân sách ở các cấp ngân sách và các đơn vị thụ hưởng ngân sách; Hiện đại hoá trong lĩnh vực công nghệ thông tin để đơn giản thủ tục hành chính, thuận tiện cho công tác thu và quản lý thu, chi ngân sách.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm kỷ luật tài chính.
 
Năm 2020 là năm hết sức khó khăn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh và tác động của việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ dẫn đến hụt thu thường xuyên ngân sách rất lớn, trong khi đó tỉnh ta là tỉnh tự cân đối ngân sách. Ngành Tài chính sẽ hết sức cố gắng áp dụng mọi biện pháp để khai thác các nguồn thu để có nguồn đáp ứng nhu cầu chi, tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi, cắt giảm, giãn hoãn những nội dung chi chưa thật sự cần thiết, cơ cấu lại các nội dung chi để bù hụt thu thường xuyên. Ngành Tài chính cũng rất mong nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cộng với sự cố gắng nỗ lực của các ngành, các cấp và sự đồng hành ủng hộ của doanh nghiệp và người dân, tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ thu - chi, cân đối ngân sách năm 2020.
Các tin mới hơn
Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0(22/10/2020)
Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(22/10/2020)
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở(22/10/2020)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế(22/10/2020)
Các tin cũ hơn
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dất đai, tài nguyên, môi trường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh(21/10/2020)
Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch, chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, định hướng chiến lược đến năm 2045(21/10/2020)
Phát triển hệ thống giao thông tỉnh Hải Dương đồng bộ, hiện đại thúc đẩy kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035(21/10/2020)
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững(21/10/2020)
Các giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025”(21/10/2020)
na
Những kinh nghiệm rút ra qua nhiệm kỳ 2015-2020: Bài cuối: Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra là kinh nghiệm quý sẽ tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới.
na
na
na
na
na
Liên kết website