na
Tham luận tại đại hội
Giải pháp tăng cường tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao thu nhập của nông dân tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025

Tham luận của đồng chí Lê Hồng Phúc, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương

Tập trung tăng trưởng kinh tế xã hội, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân là mục tiêu xuyên suốt, kiên định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như mục tiêu đã được đề cập tại Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội này.
 
Với rất nhiều các giải pháp đồng bộ thì việc khơi thông đồng vốn, tăng cường tín dụng tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, hướng tới bà con nông dân là một giải pháp thiết thực cho việc phát triển kinh tế tại địa bàn nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.
 
Thay mặt cho Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, tôi xin được tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Giải pháp tăng cường tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao thu nhập của nông dân tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025".
 
Hải Dương là một tỉnh thuần nông với 68,5% dân số sống tại khu vực nông thôn, trong đó có 413 ngàn hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thì nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn là rất lớn.
Thực hiện các chủ trương, chính sách đồng bộ của Đảng, Chính phủ và các chính sách tín dụng nói riêng để thực hiện mục tiêu phát triển “Tam nông” như: Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn … và cùng với sự lãnh đạo tập trung và sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Hải Dương, ngành ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện được một số kết quả nổi bật:
 
* Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP: Dư nợ đạt 38.100 tỷ đồng, số khách hàng đang dư nợ 92.600 khách hàng, chiếm 22,4% số hộ tại nông thôn. Trong đó: Dư nợ của Agribank 11.069 tỷ đồng, số khách hàng dư nợ là 38.256 khách hàng.
* Cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch: Doanh số cho vay 63,5 tỷ đồng, dư nợ 14 tỷ đồng, số khách hàng 3 khách hàng.
* Cho vay qua Tổ chức hội: Tổng số tổ vay vốn có 3.596 tổ, với 98.194 thành viên, dư nợ cho vay là 5.285 tỷ đồng. Trong đó: Hội Nông dân: Số tổ vay vốn 1.276 tổ, với 32.288 thành viên, dư nợ cho vay là 2.137 tỷ đồng; Hội Phụ nữ: Số tổ vay vốn 1.643 tổ, với 50.005 thành viên, dư nợ cho vay là 2.510 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh: Số tổ vay vốn 485 tổ với 10.608 thành viên, dư nợ cho vay là 416 tỷ đồng; Đoàn thanh niên: Số tổ vay vốn 191 tổ với 5.292 thành viên, dư nợ cho vay là 222 tỷ đồng.
* Bên cạnh việc triển khai các chính sách tín dụng, các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại như thông qua triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Với 173 máy ATM trên địa bàn các huyện, các TCTD đã triển khai cho vay thấu chi qua thẻ để giải quyết tốt nhu cầu tài chính của người nông dân, góp phần đẩy lùi nạn “Tín dụng đen” tại địa bàn nông thôn, giúp người nông dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại không dùng tiền mặt.
 
Thông qua việc dành nguồn vốn lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào thực hiện Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về phát triển kinh tế xã hội 5 năm của tỉnh Hải Dương; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi vượt bậc. Đến nay, 7 huyện, thị xã, thành phố và 163/178 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng về việc giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2016-2020.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tăng cường tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn còn gặp khó khăn, vướng mắc:
 
- Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng.
 
- Việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; chưa hình thành chuỗi hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; một số tiêu chí xác định sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 738 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa cụ thể.
 
- Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi, hệ thống chuồng trại...) có giá trị đầu tư lớn hoặc nhà ở trên đất tại nông thôn nhưng chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho khách hàng và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.
 
Phát huy kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, để mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, các TCTD trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt các giải pháp như sau:
 
Thứ nhất, Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn nắm bắt được đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, tỉnh Hải Dương và các quy định của TCTD về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
 
Thứ hai, Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường tiếp cận các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp; lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả để cho vay; gắn đầu tư tín dụng với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt đối với các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
Thứ ba, Tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp với Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức Hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên) trong việc thực hiện Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, triển khai các đề án của UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho người dân, để mở rộng việc cho vay thông qua các Tổ vay vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn.
 
Thứ tư, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng nói chung và công tác tín dụng nói riêng nhằm: (i) ngăn chặn các hành vi sai phạm, trục lợi trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế hỗ trợ trong hoạt động cấp tín dụng liên quan đến 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng nhà nước; (ii) Áp dụng triệt để, đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các lĩnh vực, các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế lãi suất, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, cho vay mới nếu khách hàng đủ điều kiện để khôi phục sản xuất kinh doanh, có cơ hội để trả các khoản vay cũ; (iii) Làm tốt công tác tham mưu hoặc đề xuất, kiến nghị các Sở, ban, ngành để có thể xem xét sửa đổi, bổ sung các cơ chế để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các rào cản trong công tác tín dụng, nhất là việc thực hiện Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập của nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Thứ năm, Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, công tác đào tạo, đào tạo lại kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ làm công tác tín dụng, nhất là cán bộ tín dụng thẩm định các dự án cho vay về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo đội ngũ làm công tác tín dụng có đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tâm, tận lực với công việc, hết lòng vì khách hàng, có bản lĩnh, kiến thức chuyên môn vững chắc, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
 
Để các giải pháp được TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung như sau:
 
Thứ nhất: Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan rà soát và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản cho người dân, đặc biệt trên địa bàn nông thôn để thuận lợi cho các TCTD trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay khi cấp tín dụng.
 
Thứ hai: Bên cạnh việc các TCTD chủ động các nguồn vốn với lãi suất thấp để cho vay đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm dành nguồn vốn từ ngân sách để hỗ trợ các TCTD có thêm nguồn cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi thông qua các đề án hoặc chương trình cho vay giảm nghèo.
 
Thứ ba: Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần có giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn trong việc tăng cường các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, về thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và quản lý hiệu quả các quy hoạch kinh doanh vùng nông nghiệp chuyên canh theo mô hình công nghiệp. Có cơ chế để tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông để tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi…Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản…Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
 
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương trong việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương và hệ thống ngân hàng trên địa bàn luôn sẵn sàng và mong muốn tiếp tục đồng hành cùng chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp triển khai, thực hiện có hiệu quả việc đầu tư vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của nông dân tỉnh Hải Dương góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Trên đây là tham luận của Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương tại Đại hội. Trước khi ngừng lời xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Các tin mới hơn
Xây dựng, phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0(22/10/2020)
Khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(22/10/2020)
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở(22/10/2020)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương(22/10/2020)
Giải pháp nâng cao hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế(22/10/2020)
Các tin cũ hơn
Một số giải pháp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025(21/10/2020)
Giải pháp quy hoạch, thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), theo hướng đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2020 - 2030(21/10/2020)
Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, huy động hợp lý các nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025" (21/10/2020)
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025(21/10/2020)
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dất đai, tài nguyên, môi trường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh(21/10/2020)
na
Những kinh nghiệm rút ra qua nhiệm kỳ 2015-2020: Bài cuối: Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Tinh thần quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và “đeo bám” đến cùng mục tiêu đã đề ra là kinh nghiệm quý sẽ tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới.
na
na
na
na
na
Liên kết website